MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Hồ Thị Hoà ở nóc Ông Đề, Trà Leng mất một lúc cả cha, mẹ, em gái và con trai . Gia đình cậu, dượng của Hòa cũng bị vùi lấp (Ảnh: Thanh Chung/LĐO).

Sạt lở đất ở Trà Leng: Cần trợ giúp về sức khoẻ tâm thần cho các nạn nhân

Bạn đọc Hoài Thương LDO | 31/10/2020 14:40

Đối với nhiều nạn nhân của các vụ sạt lở đất (trong đó có vụ ở Trà Leng), bên cạnh hỗ trợ về vật chất thì điều không kém quan trọng là phải hỗ trợ kịp thời cho họ về vấn đề sức khoẻ tâm thần cho họ.

Sau vụ sạt lở đất xảy ra ở Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam), nhiều trẻ em bỗng chốc mồ côi cha mẹ, mất đi những người thân thiết. Nhiều người bố, người mẹ bỗng chốc mất con, mất đi gia đình của mình. Ông mất cháu, anh mất em...

Đó là những nỗi đau không gì có thể so sánh được, không thể diễn tả được bằng lời, những nỗi đau “thấu lên trời xanh”. Đây là một cú sốc quá lớn, rất khó để có thể vượt qua, sống bình thường trở lại.

Nghiên cứu của tác giả Nikunj Makwana (Đại học Jawaharlal Nehru, Ấn Độ) cho biết, khi trải qua các thảm hoạ tự nhiên, cùng với những mất mát về kinh tế, những cá nhân và cộng đồng nơi xảy ra các thảm hoạ này còn trải qua sự bất ổn về sức khoẻ tâm thần và điều này có thể nhanh chóng dẫn đến hội chứng PTSD (rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý), tâm trạng hoảng sợ và tuyệt vọng.

Nói chung, các thảm hoạ được đo bằng sự mất mát về kinh tế- xã hội, nhưng những mất mát này sẽ không thể so sánh nổi sự chịu đựng về mặt cảm xúc mà các nạn nhân phải trải qua do thảm hoạ.

Các nạn nhân có xu hướng chối bỏ sự mất mát quá lớn và cố gắng thoát khỏi hiện thực đau khổ mà họ đối mặt. Hiện trạng này khiến các nạn nhân dễ bị stress, lo lắng, hoảng loạn và có những phản ứng khó lường khác. Ngôi nhà chính là nơi cung cấp sự an toàn cho họ, thế nhưng, khi nhà bị phá huỷ cũng như nhiều của cải, tài sản khác sẽ càng dẫn đến cảm giác bất an đối với các nạn nhân.

Đặt biệt, đối với trẻ em, ảnh hưởng về tâm lý sau thảm họa là hội chứng PTSD, tuyệt vọng, hoảng loạn, cảm giác đau khổ, rối loạn giấc ngủ.

Chính vì vậy, ngoài hỗ trợ về vật chất, các nạn nhân cần được hỗ trợ về mặt sức khoẻ tâm thần ngay sau khi xảy ra thảm hoạ. Để làm được điều này, cần có những bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý để có sự hỗ trợ một cách tốt nhất đối với các nạn nhân còn sống cũng như người thân của các nạn nhân đã tử vong.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn