MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
3 cửa hàng thời trang trên phố Lê Trọng Tấn phục vụ 3 đối tượng khách hàng khác nhau buộc phải làm biển hiệu với màu sắc và nhận diện khác nhau.

Sau 2 năm thực thi, tuyến phố kiểu mẫu đầu tiên của Hà Nội giờ ra sao?

Vân Trường LDO | 02/07/2018 08:24

“Nhận diện thương hiệu của cửa hàng thời trang thì phải khác quán bún đậu mắm tôm chứ”, chị Nguyễn Thanh Mai nói và kể lại không ít câu chuyện bi hài khi thời gian đầu tuyến phố nơi chị kinh doanh được lên “kiểu mẫu”.

Sau khi trùng tu vỉa hè, mở rộng lòng đường và trồng thêm nhiều cây xanh, phố Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội) được chọn là tuyến phố kiểu mẫu đầu tiên của TP.Hà Nội, bắt đầu từ tháng 5.2016.

Để đúng chuẩn “kiểu mẫu”, TP.Hà Nội đề ra quy định, toàn bộ biển hiệu, biển quảng cáo của các hàng quán, công ty, trường học… trên con phố này phải được thiết kế với kích thước, màu sắc, cỡ chữ... đồng loạt giống nhau, với 2 màu sắc cơ bản là đỏ và xanh.

Với quyết định này, nhà chức trách kỳ vọng sẽ nhân rộng thêm nhiều tuyến phố kiểu mẫu nữa, qua đó, chỉnh trang bộ mặt đô thị sạch đẹp, khang trang hơn.

 Thương hiệu bánh kẹo Hữu Nghị đưa biển quảng cáo trở về 2 màu vàng - đỏ quen thuộc.

Chị Nguyễn Thanh Mai (28 tuổi, Hà Nội) chủ một thương hiệu thời trang có cửa hàng trên tuyến phố này cho biết, tới nay, chị buộc phải thay đổi màu sắc biển quảng cáo cửa hàng để khác với rất nhiều nhà hàng, quán ăn kế bên.

“Nhận diện thương hiệu của cửa hàng thời trang thì phải khác quán bún đậu mắm tôm chứ”, chị Mai nói và khẳng định, trong thời điểm kinh doanh, đặc biệt là mảng bán lẻ, ngày càng cạnh tranh khốc liệt thì việc hạn chế sáng tạo trong biển hiệu, quảng cáo sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến lượng khách hàng và doanh thu.

Đồng tình với chị Mai, Nguyễn Văn Thanh (26 tuổi, Hà Nội) nhân viên của một Cty trên phố Lê Trọng Tấn cho biết, Cty của anh làm thương hiệu (bao gồm logo, biển hiệu quảng cáo) trên cả website và các mạng xã hội với hình ảnh nhận diện thương hiệu là màu xanh lá cây.

“Vào fanpage của Cty trên facebook, sau đó đến trụ sở chính lại thấy hình ảnh biển hiệu và logo hoàn toàn khác thì bạn có chọn dịch vụ đó nữa không?”, nam nhân viên đặt ra câu hỏi để nêu bật sự bất hợp lý trong quyết định trước đó của TP.Hà Nội.

Nhiều cửa hàng ăn phải ken thêm các biển phụ ngang, dọc để tăng tính nhận diện. 

Sau 2 năm, tại tuyến phố Lê Trọng Tấn, PV Báo Lao Động ghi nhận tình trạng nhiều cửa hàng đã thay đổi màu sắc biển quảng cáo để trở về với bộ nhận diện thương hiệu quen thuộc. 

Trao đổi với PV, một số chủ nhà hàng, quán ăn trên tuyến phố này cho biết, thời gian đầu - khi mặc “đồng phục” biển hiệu, lượng khách và doanh thu giảm, sau đó, họ buộc phải ken thêm một số biển phụ ngang, dọc để khách hàng dễ dàng nhận biết.

Được biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân kinh doanh, quận Thanh Xuân đã ký Quy định quản lý tạm thời tuyến đường Lê Trọng Tấn, qua đó “nới” một số điều kiện về biển hiệu.

Theo đó, hiện chỉ quản lý về cao độ nền biển hiệu từ 3 – 3,2m, điều này giúp biển hiệu đồng đều, thẳng hàng, ngăn nắp. Về màu sắc, cho phép màu sắc theo logo đã đăng ký, yêu cầu không dùng màu sắc phản cảm và vật liệu có độ phản quang lớn hơn 70%.

Tuy vậy, không thể phủ nhận, phố Lê Trọng Tấn đã khang trang, sạch đẹp hơn rất nhiều sau 2 năm được chọn làm "kiểu mẫu". 

Trao đổi với PV Báo Lao Động, PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, ý tưởng “may đồng phục” cho biển hiệu là tốt về mặt quản lý đô thị nhưng về mặt quảng cáo thì lại hạn chế sự sáng tạo và gây nhầm lẫn về thương hiệu.

“Sau khi tiếp thu ý kiến từ người dân, lãnh đạo TP.Hà Nội đã nới lỏng quy định biển hiệu để phù hợp với thực tiễn là một việc làm rất đáng hoan nghênh. Điều đó thể hiện sự cầu thị, lắng nghe dân của nhà chức trách”, PGS.TS Bùi Thị An nói và cho biết, bà kỳ vọng sẽ có thêm nhiều tuyến phố khác ở Hà Nội được chỉnh trang gọn gàng, sạch đẹp nhưng vẫn đảm bảo sự thuận lợi trong kinh doanh cho người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn