MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều sản phụ tại Bệnh viện Từ Dũ đã bị lộ lọt thông tin. Ảnh chụp sản phụ đến Bệnh viện Từ Dũ thăm khám. Ảnh: Ngọc Lê.

Sau các sản phụ, tiếp đến những ai có thể bị lộ lọt thông tin?

Thế Lâm LDO | 25/08/2022 18:57
Các sản phụ tại Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) có lẽ không phải là những người cuối cùng bị lộ lọt thông tin cá nhân. Bởi trên thực tế từ trước đến nay, hết lớp người này đến lớp người khác đã từng bị tình trạng như vậy.

Con số có tới 2/3 dân số Việt Nam bị thu thập thông tin, dữ liệu cá nhân trái phép cũng đủ khẳng định tình trạng này chẳng chừa một ai.

Hàng chục năm trước, những người bị thu thập thông tin cá nhân và sau đó bị cuộc gọi rác, tin nhắn rác hoành hành chính là chủ các thuê bao di động.

Sau đó, tình trạng lộ lọt thông tin, dữ liệu cá nhân lan tràn đến mức không thể kiểm soát, từ những khách hàng mua nhà đất, ôtô, bảo hiểm, người dân đóng tiền điện, nước cho tới hành khách đi máy bay, khám chữa bệnh, đi siêu thị…

Trẻ em không hẳn tránh được tình trạng bị thu thập thông tin. Chỉ có điều là, trẻ bị lộ lọt thông tin cá nhân nhưng người lớn mà cụ thể là các bậc phụ huynh mới là những người bị quấy nhiễu thông qua các cuộc gọi, tin nhắn mời gọi mua các dịch vụ, sản phẩm cho trẻ.

Trẻ sơ sinh vài ngày hay một, hai tuần tuổi, thông tin cũng bị thu thập, nhưng người bị quấy nhiễu chính là sản phụ hoặc những người thân, bởi đây chính là những người đưa ra quyết định chi tiêu, mua sắm.

Theo thạc sĩ Mai Tuyết (TPHCM) hoạt động trong lĩnh vực truyền thông – marketing, các đối tượng thu thập thông tin cá nhân trẻ em nhưng làm phiền người lớn là nhắm vào người có khả năng chi tiêu.

Tuy nhiên, đến một lúc nào đó khi người lớn đã quá chán ngán với tình trạng gây phiền này và phản ứng mạnh mẽ, các đối tượng hoàn toàn có thể điều hướng đến trẻ em, trực tiếp mời mọc, quảng cáo đến trẻ em để bán hàng.

“Trẻ em, học sinh hiện không ít em cũng được dùng điện thoại di động, cho nên hoàn toàn có khả năng đến một lúc nào đó đối tượng thu thập thông tin cá nhân sẽ nhắm đến các em qua các tin nhắn và cuộc gọi rác”, thạc sĩ Mai Tuyết đưa ra khả năng.

Mục đích chủ yếu hiện nay của tình trạng thu thập thông tin và dữ liệu cá nhân là để bán cho các đối tượng cần mua đưa vào sử dụng trong thương mại, hoặc thu thập để phát tán thông tin quảng cáo, bán hàng.

“Nếu hành vi này nhắm đến trẻ em nhằm gây tác động đến người lớn mua hàng, hoàn toàn có thể xảy ra tình trạng tấn công thông tin đối với trẻ, hoặc dọa dẫm, ép buộc trẻ”, theo thạc sĩ Mai Tuyết.

Tình trạng bắt nạt trực tuyến/bắt nạt qua mạng (Cyberbullying) đối với trẻ em đã và đang xảy ra khá phổ biến. Từ đó, khả năng bắt nạt trẻ nhằm lợi dụng cho việc bán hàng, quảng cáo sau khi có được thông tin cá nhân cũng là một nguy cơ.  

Khi thông tin cá nhân về những đứa trẻ sơ sinh và sản phụ còn được thu thập để bán hàng trục lợi thì bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân của tình trạng này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn