MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động nhà máy dệt thuộc Công ty Cổ phần Dệt 19.5 Hà Nội chi nhánh Hà Nam phản ánh với phóng viên Báo Lao Động việc họ bị chủ sử dụng lao động nợ BHXH kéo dài. Ảnh: Hà Anh

Sau thanh tra, các doanh nghiệp đã đóng 1.324,4 tỉ đồng tiền nợ BHXH

Hà Anh LDO | 10/02/2024 19:27

BHXH Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong hoạt động thanh kiểm tra; phối hợp, tham gia các đoàn thanh tra liên ngành về việc chấp hành pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Đã thực hiện thanh kiểm tra tại 22.584 đơn vị

BHXH Việt Nam đã chỉ đạo, hướng dẫn BHXH chú trọng thanh tra chuyên ngành đóng đối với các đơn vị có dấu hiệu vi phạm, đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT; kiểm tra chuyên đề, đột xuất các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) có tỷ lệ chi KCB BHYT cao so với dự toán, gia tăng chi phí bất hợp lý; chủ động rà soát, phân tích dữ liệu trên các phần mềm nghiệp vụ, dữ liệu cơ quan Thuế cung cấp để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác thanh kiểm tra; kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; trường hợp cố tình vi phạm thì lập hồ sơ khởi tố theo quy định…

Qua đó, đã mang lại hiệu quả tích cực trong công tác phát triển người tham gia, tăng thu và quản lý thu hồi tiền chậm đóng; đồng thời, có tác dụng răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm của các chủ sử dụng lao động, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ.

BHXH Việt Nam triển khai thực hiện thanh kiểm tra theo phương pháp truyền thống kết hợp với “xử lý dữ liệu điện tử” bằng việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động thanh kiểm tra; với lợi thế có hệ thống dữ liệu lớn, xây dựng và thường xuyên hoàn thiện, bổ sung các bộ tiêu chí nhận diện rủi ro, từ đó xác định trọng tâm, trọng điểm thông qua việc sàng lọc, nhận diện dấu hiệu cảnh báo, chọn mẫu từ dữ liệu có sẵn để tiến hành thanh kiểm tra với phạm vi rộng, thanh kiểm tra theo phương thức điện tử.

Do đó, công tác thanh kiểm tra đã rút ngắn thời gian, kinh phí, nhân lực, giảm thời gian làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Cơ quan BHXH phối hợp thanh tra doanh nghiệp thực hiện đóng BHXH. Ảnh: BHXHVN

Tính đến hết năm 2023, toàn ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện thanh kiểm tra tại 22.584 đơn vị. Trong đó, thanh kiểm tra theo kế hoạch tại 17.774 đơn vị (đạt 109,33% so với kế hoạch giao), thanh kiểm đột xuất tại 4.810 đơn vị. Qua thanh kiểm tra đã yêu cầu truy thu tiền đóng của 7.234 lao động thuộc diện phải tham gia BHXH, BHYT nhưng chưa tham gia với số tiền là 45,8 tỉ đồng; 8.835 lao động đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng là 57.3 tỉ đồng; 38.820 lao động đóng thiếu mức đóng quy định với số tiền phải truy đóng là 89,4 tỉ đồng.

Tổng số tiền các đơn vị được thanh kiểm tra chậm đóng trước khi có Quyết định thanh kiểm tra là 2.321,6 tỉ đồng; số tiền chậm đóng các đơn vị đã nộp ngay sau khi kiểm tra là 1.324,4 tỉ đồng (đạt tỷ lệ 57,05% số tiền chậm đóng các đơn vị phải nộp).

Cùng với đó, đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành 1.797 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về đóng BHXH, BHYT với tổng số tiền xử phạt là 63,9 tỉ đồng; số tiền xử phạt vi phạm hành chính đã nộp ngân sách nhà nước là 24,5 tỉ đồng (đạt 38,3% số tiền xử phạt phải nộp ngân sách nhà nước).

Thanh tra các doanh nghiệp chậm đóng BHXH với số tiền lớn

Để công tác thanh kiểm tra tiếp tục đạt hiệu quả, thời gian tới, ngành BHXH tiếp tục tăng cường công tác phối hợp liên ngành, đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về BHXH, góp phần giảm thiểu các vi phạm. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác thanh kiểm tra, tăng cường áp dụng khoa học, công nghệ, thiết bị hiện đại vào phục vụ công tác theo dõi, giám sát việc thực hiện các quyết định sau thanh kiểm tra, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ, nâng cao hiệu lực của các cơ quan quản lý nhà nước về BHXH.

Cùng với đó, BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục thực hiện nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về quản lý thu, thanh tra chuyên ngành (TTCN) và xử phạt vi phạm hành chính (vi phạm hành chính), BHXH Việt Nam cũng yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện đúng trách nhiệm quy định tại khoản 3 Điều 23 Luật BHXH.

Tổ chức thực hiện thu, chi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo quy định của pháp luật; đồng bộ thực hiện các giải pháp tăng thu, giảm số tiền chậm đóng, thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm đối với các đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Đặc biệt, BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị BHXH phối hợp chặt chẽ các ngành, các cấp đôn đốc, kiểm tra, công khai các đơn vị, cá nhân chậm đóng BHXH, BHYT; nghiêm cấm tình trạng cố tình hoặc không phát huy hết tinh thần trách nhiệm để doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng kéo dài.

Ưu tiên thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT các đơn vị có số lao động nhiều, số tiền chậm đóng lớn hoặc nguy cơ chậm đóng cao ảnh hưởng đến quyền lợi NLĐ… Đặc biệt, với những tổ chức, cá nhân không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì kịp thời ra quyết định hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền ra quyết định và tổ chức cưỡng chế thi hành theo thẩm quyền quy định tại Điều 86, Điều 87, Điều 88 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020.

Trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo quy định tại Điều 216 Bộ Luật Hình sự thì kịp thời lập hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều tra, khởi tố theo quy định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn