MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Trung Dương thông tin về nguồn gốc đất cũng như sự mệt mỏi khi vụ kiện với bà N.T.H kéo dài không dứt. Ảnh: Bảo Trung

Sẽ xử lý dứt điểm vụ tranh chấp đất kéo dài hơn 10 năm ở TP.Buôn Ma Thuột

BẢO TRUNG LDO | 13/06/2024 16:01

Đắk Lắk - UBND xã Hòa Phú sẽ giải quyết dứt điểm tranh chấp một phần diện tích đất tại thôn 13, xã Hòa Phú kéo dài đã 10 năm nay giữa ông Nguyễn Trung Dương và bà N.T.H.

Tranh chấp đất đai kéo dài hơn 10 năm

Vào năm 1993, gia đình bà N.T.H (thôn 13, xã Hòa Phú, TP.Buôn Ma Thuột) đổi một lô đất với gia đình ông Đậu Văn Lục (cùng trú khu vực trên). Hai bên cũng đổi luôn phần diện tích đất con đường đi đã có trong bản đồ địa chính (đường này trước đây ít đi lại).

Sử dụng được một thời gian, ông Đậu Văn Lục chuyển nhượng lại cho gia đình ông Nguyễn Trung Dương (thôn 13, xã Hòa Phú, TP.Buôn Ma Thuột). Sau đó hai bên vẫn sử dụng ổn định đến năm 2017.

Tuy nhiên, sau khi ông Nguyễn Trung Dương xây nhà cho con thì xảy ra tranh chấp giữa gia đình bà N.T.H.

Mặc dù cơ quan chức năng tại địa phương đã hòa giải rất nhiều lần nhưng không thành. Sau đó, bà H đã khởi kiện vụ tranh chấp đất đai ra TAND TP.Buôn Ma Thuột.

Ngày 12.9.2022, TAND TP.Buôn Ma Thuột đã ra bản án xét xử vụ án dân sự “Về việc tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là bà H và bị đơn là ông Nguyễn Trung Dương.

Tòa án đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà H về việc buộc ông Dương phải trả lại 338,3m2 đất nông nghiệp nằm trong giấy quyền sử dụng đất số BB824502 (tọa lạc tại xã Hòa Phú, TP.Buôn Ma Thuột); phân định rõ mốc giới giữa đất của hai gia đình.

Tiếp đó, lực lượng thi hành án đã tiến hành cắm mốc theo quy định và hai bên đã trả lại đất cho nhau, hiện trạng con đường được xác định theo bản đồ địa chính.

Tuy nhiên, sau đó bà H có đơn thư, yêu cầu UBND xã Hòa Phú khôi phục lại con đường là lối đi chung của gia đình bà và gia đình ông Dương (trước đó đã được lực lượng thi hành án cắm mốc, phân định rõ đất tranh chấp - PV).

Ông Nguyễn Trung Dương nói: "Khi tôi mua đất thì hiện trạng thực tế đã không còn lối đi chung. Vì vậy, tôi không đồng ý việc cắm mốc, mở đường theo yêu cầu của bà H. Hiện, trên khu đất tôi đã dựng căn nhà cấp 4 cho con gái sinh sống, hoàn cảnh khó khăn. Nếu mở đường thì tôi sẽ phải đập một phần nhà của con gái tôi. Bản án của tòa đã tuyên rõ nên tôi không đồng ý việc đo đạc, cắm mốc để làm đường nữa. Cơ quan chức năng tại địa phương cần phải tôn trọng bản án của tòa".

Một góc căn nhà cấp 4 ông Dương xây dựng cho con gái. Ảnh: Bảo Trung

Sẽ xử lý dứt điểm

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Thanh Quang - Phó chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho rằng, khi bà H có yêu cầu mở đường, UBND xã Hòa Phú đã họp cư dân của hai thôn (thôn 13 và thôn 3) để lấy ý kiến. Bà con cả hai thôn không đồng ý việc mở đường vì không có nhu cầu sử dụng. Thực tế, từ rất lâu đã không còn tồn tại con đường chung giữa phần đất của ông Dương và bà H.

Bản án của TAND thành phố cũng đã có hiệu lực và đã thi hành án nên việc xác định ranh giới giữa các khu đất là thỏa đáng. UBND xã thực hiện theo bản án của tòa và rất nhiều lần trao đổi với bà H đối với vấn đề này, nhưng bà H vẫn tiếp tục gửi đơn kiện.

Trong tháng 6 này, nhằm xử lý dứt điểm vụ việc cũng như đảm bảo tính chính xác về các điểm cắm mốc, hiện trạng của con đường, UBND xã sẽ hợp đồng đơn vị đo đạc về đo đạc phục hồi cắm mốc lại các điểm của con đường theo đúng trình tự cho 2 người và có sự chứng kiến của các bên.

Ông Quang thông tin thêm, việc đo đạc, cắm mốc là để giữ con đường theo quy hoạch. Khi nào có chủ trương làm đường thì mới giải phóng mặt bằng để làm. Hiện, thành phố, xã không có chủ trương, người dân không có nhu cầu nên không phải cắm mốc là sẽ làm đường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn