MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Shipper giao đồ ăn GrabFood . Ảnh: Thế Lâm.

Shipper thu nhập cao nhưng sự vất vả không phải ai cũng thấu

Thế Lâm LDO | 11/06/2022 06:15

Theo báo cáo của Việc Làm Tốt - một sàn giao dịch về việc làm lao động phổ thông, trong nửa đầu năm 2022 nghề shipper là nhóm lao động phổ thông có mức tăng trưởng lương/thu nhập cao nhất.

Việc Làm Tốt với dữ liệu từ 1,4 triệu việc làm được đăng tải trên nền tảng này từ 40.000 nhà tuyển dụng, cũng đồng thời chỉ ra rằng nghề shipper (giao hàng) cũng là nhóm lao động phổ thông có mức lương cao nhất.

Như vậy, nghề shipper là nhóm ngành lao động phổ thông đang dẫn đầu về 2 tiêu chí là tăng trưởng về mức lương và mức lương, đều cao nhất.

Nếu cho rằng nghề shipper đang “lên ngôi” cũng không quá, cho thấy xu hướng tuyển dụng lao động tài xế lái xe (ôtô tải và xe máy) vận chuyển hàng hóa, đồ ăn… đang đạt nhu cầu cao. Một thực tế khác, thị trường vận tải và giao nhận tại Việt Nam hiện cũng cạnh tranh mạnh mẽ từ phân khúc vận chuyển và giao nhận bằng phương tiện ôtô cho tới xe máy.

Năm 2021, cả nước có nhiều tháng liền trong bối cảnh giãn cách xã hội ở các mức độ khác nhau và người dân “ai ở đâu, ở yên đấy” thì vai trò của shipper càng quan trọng hơn. Khi đó, nếu không có shipper, nhiều gia đình, cá nhân khó mà có lương thực thực phẩm được cung cấp đều đặn.

Sau khi hết giãn cách, hoạt động sản xuất kinh doanh và các nhu cầu trở lại bình thường, shipper lại trở thành công việc nhộn nhịp và bận rộn hơn, từ đó lương/thu nhập của nghề shipper đạt ở mức cao và mức tăng trưởng lương/thu nhập cũng cao là điều dễ hiểu.

Shipper T.L của Grab cho biết, có ngày anh chạy giao hàng tới hơn 40 đơn đặt đồ ăn, quần quật từ sáng cho tới sẩm tối, “chịu trận” dưới nắng mưa, bụi bặm và cơm đường cháo chợ, và tất nhiên thu nhập của anh còn cao hơn mức trung bình 10,1 triệu đồng (theo thống kê tháng 3.2022 của Việc Làm Tốt) rất nhiều.

Với những shipper xe máy có thu nhập cao như anh T.L, mỗi ngày làm việc không phải 8 giờ mà ít nhất là 10 giờ trở lên, thậm chí 12-14 giờ đối với không ít tài xế xe tải vận chuyển và giao nhận hàng hóa thường phải di chuyển xa.

Shipper ngày nay không chỉ có các tài xế xe ôm công nghệ chuyên giao hàng của Grab, GoJek, Be, Ahamove, Giao Hàng Tiết Kiệm…, mà còn có các tài xế xe tải của các doanh nghiệp dịch vụ vận chuyển và giao nhận hàng hóa, tài xế xe tải của các nền tảng giao nhận qua ứng dụng di động.

Thị trường vận tải hàng hóa và giao nhận tại Việt Nam theo nghiên cứu có giá trị lên tới 30 tỉ USD, chính vì thế, sự cạnh tranh không chỉ xảy ra trong dịch vụ giao nhận mà cả trong tuyển dụng tài xế giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.

Nghề shipper “lên ngôi” về vai trò trong xã hội khi nhu cầu về giao nhận, đặt đồ ăn thức uống trên thị trường gia tăng, trước xu thế nhiều doanh nghiệp áp dụng làm việc tại nhà và những phần công việc hay giao dịch còn lại phải phụ thuộc vào shipper. Và theo đó, thu nhập của shipper cũng tăng cả về mức tăng trưởng và mức giá trị tuyệt đối là hệ quả tất yếu.

Song không vì thế mà cho rằng shipper là nghề dễ ăn hay nhàn hạ. Ngược lại, để có thu nhập cao so với mặt bằng nhóm ngành lao động phổ thông, nhiều shipper “bán mặt cho đường, bán lưng cho trời” trong suốt ngày dài, và hết ngày này tới ngày khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn