MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Shipper, xe ôm... thưởng Tết chỉ trông chờ vào vòng quay bánh xe

LƯƠNG HẠNH LDO | 01/01/2023 08:08

Người lao động tự do làm shipper, xe ôm không có thưởng Tết, nỗi lo tăng dần đều theo vòng quay của những bánh xe. Khoảng thời gian này cũng chính là lúc họ tranh thủ "cày" để kiếm tiền tiêu Tết.

Khi cả nước đang bước vào kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2023, người người nhà nhà về quê sum họp với gia đình thì anh Dương Đình Quang lại căng mình để nhận đơn, giao hàng.

Từ 6 giờ sáng, anh đã thức giấc để lấy hàng đi giao cho khách trên địa bàn TP. Hà Nội. Anh Quang cho hay, thời gian gần Tết, lượng hàng vận chuyển tăng đột biến, anh quyết định không về quê mà ở lại thủ đô "cày cuốc".

Trung bình mỗi ngày, anh Quang đi giao từ 50-60 đơn hàng khu vực Cầu Giấy. “Chỉ tính riêng khu vực này đã có 5 shipper đảm nhiệm, vậy mà còn không phục vụ kịp khách hàng”, anh nói.

Anh Quang đi giao hàng từ 6h sáng. Ảnh: Lương Hạnh. 

Theo anh Quang, không phải lúc nào cũng có khách ở nhà để nhận hàng. Với những đơn hàng ship COD -  thu tiền khi nhận hàng, anh phải canh giờ khách về nhà. Có những buổi tối muộn, anh mới giao hết.

Thời điểm này, anh Quang bật mí thu nhập trung bình của anh cũng vào khoảng 15 triệu đồng/tháng. "Nếu chịu khó chạy có thể sẽ được nhiều hơn. Vì thế mà tôi không về quê dịp này, Tết âm năm nay chắc cũng phải ngày 30 âm lịch tôi mới về", anh Quang tâm sự.

Những đơn hàng đầu tiên trong ngày của nam shipper. Ảnh: Lương Hạnh.

Thế nhưng, 6 năm làm shipper cũng là 6 năm anh Quang không có thưởng Tết hay lương tháng thứ 13. Thay vào đó, tết đến, hãng xe có những chương trình để khuyến khích shipper nhận đơn. Nếu shipper muốn có thêm thu nhập thì họ phải đạt số đơn hàng hãng quy định trong thời gian đó.

Không có thưởng Tết, ông Minh Lý vẫn phải sắm sửa, chuẩn bị mâm cúng tổ tiên, lì xì cho các con, cháu. Do đó, cũng giống như nhiều người lao động tự do khác, ông chọn không về quê dịp Tết Dương 2023. 

"Công chức nhà nước hay công nhân thì có chế độ lương, thưởng, có quy định ngày nghỉ lễ tết. Còn với xe ôm như tôi, không làm thì không có ăn. Tết ngày một đến gần, phải tranh thủ chạy nhiều hơn để có tiền sắm Tết", ông Lý tâm sự.

Nhớ lại Tết năm ngoái, dịch COVID-19 đã khiến mọi mặt của đời sống, kinh tế bị ảnh hưởng. Dù ông Lý đã cố nán lại Hà Nội đến chiều ngày 30 Tết Âm lịch, song ông cũng không kiếm được thêm là  bao.

Với lao động tự do chạy xe ôm, shipper, thưởng Tết là khoản không bao giờ được nhận. Ảnh: Lương Hạnh.

"Năm nay khá hơn, chạy từ 7h sáng đến 10h trưa tôi kiếm được hơn 200.000 đồng rồi. Cứ như thế này thì Tết sẽ ấm áp hơn", ông Lý nói. 

Ở một góc khuất ngay gần bến xe Mỹ Đình, bà Triệu Thị Tình đang chờ khách. Bà Tình cũng giống như các lao động tự do từ quê lên đây thuê trọ để kiếm thu nhập chính bằng nghề xe ôm.

Bà Tình đã làm xe ôm được 5 năm. Hàng ngày, bà bắt đầu công việc từ lúc 6h sáng đến khi nào hết khách thì thôi. Bà Tình hiện đang mắc bệnh hiểm nghèo, một tháng chi từ 7 – 8 triệu đồng tiền thuốc men, viện phí... để chữa bệnh. Tuy nhiên, bà không thể dựa vào con cái vì họ cũng đang bận lo cho cuộc sống. 

Hoàn cảnh khó khăn của bà Tình chỉ là một trong số ít các lao động tự do tại Hà Nội. Dọc tuyến đường Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội, không khó để bắt gặp cảnh những lao động xe ôm chờ khách, shipper chờ đơn hàng. Họ ở lại Hà Nội cố thêm một cuốc xe, chạy thêm một đơn hàng chỉ để mong Tết Nguyên đán 2023 ấm no hơn với bản thân và gia đình.  

Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm về vấn đề này bằng cách gửi email về Báo Lao Động: toasoan@laodong.com.vn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn