MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Kim Thị Phương, một trong 3 cổ đông của Công ty USC Interco. Ảnh: Tùng Giang.

"Siêu doanh nghiệp" đăng ký vốn 6 tỉ USD: Liệu có bị xử lý?

Tùng Giang LDO | 27/02/2020 16:16
Liên quan đến thông tin đang gây xôn xao dư luận về Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư quốc tế và Dịch vụ thương mại USC (Công ty USC Interco) có vốn điều lệ lên tới 144.000 tỉ đồng (6 tỉ USD), luật sư Quách Thành Lực cho rằng, đây là chiêu PR thượng thặng không những không trái, mà còn hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật hiện tại.

Chiêu PR?

Như Lao Động đã phản ánh, Công ty USC Interco (có địa chỉ tại số 10, ngõ 234 đường thôn Lai Xá, Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội) trở thành tâm điểm dư luận do đăng ký thành lập với vốn điều lệ lên tới 144.000 tỉ đồng (khoảng 6 tỉ USD). Tuy nhiên, trụ sở  của công ty không phải là một tòa cao ốc hoành tráng, mà nằm lọt thỏm trong nhà riêng của gia đình bà Kim Thị Phương.

Trước con số không tưởng trên, nhiều người cho rằng, mức vốn điều lệ này vượt xa các doanh nghiệp như PVEP, Lọc Hóa dầu Nghi Sơn, BIDV, Vietinbank..., thậm chí vượt cả Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel).

Cận cảnh trụ sở theo đăng ký của Công ty USC Interco tại địa chỉ số 10, ngõ 234 đường Thôn Lai Xá (Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội). Ảnh: Tùng Giang.

Liên quan đến sự việc, trao đổi với Lao Động, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) nhận định, đây là chiêu PR của Công ty USC Interco, không trái với quy định pháp luật hiện tại.

Cụ thể, theo luật sự Lực, nếu soi chiếu lại lịch sử về quyền tự chủ, tự do kinh doanh của doanh nghiệp trong lĩnh vực đăng ký vốn điều lệ thì Luật Công ty năm 1990, Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990 quy định doanh nghiệp phải góp đầy đủ.

Tiếp đó, Quyền tự do kinh doanh được ghi nhận tại điều 7 Luật Doanh nghiệp năm 1999 và tiếp tục được Luật Doanh nghiệp năm 2014 ghi nhận: Tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm. Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh. Lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn.

Ngõ nhỏ lối vào trụ sở Công ty USC Interco. Ảnh: Tùng Giang.

"Do đó, có thể thấy việc Công ty USC Interco đăng ký thành lập với vốn điều lệ lên đến 144.000 tỉ đồng (tương đương 6,3 tỉ USD), hoặc nhiều nghìn tỉ đô hơn cả số tài sản của Apple Inc thì cũng là một việc làm không trái mà còn hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật hiện tại", luật sư Lực khẳng định.

Không xử lý hành vi đăng ký số vốn lớn

Luật sư Lực thông tin thêm, khoản 29 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần.

Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp cũng nghiêm cấm hành vi kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị (Khoản 5 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2014).

Luật sư Quách Thành Lực cho rằng không xử lý được hành vi đăng ký số vốn điều lệ quá lớn.

Và đồng thời có quy định các cổ đông phải góp đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Cũng theo luật sư Lực, trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn quy định, cổ đông của công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị số vốn thực góp trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ.

Trường hợp có thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp vốn đủ phần vốn góp.

Luật sư Lực kết luận, như vậy, chỉ có thể xử lý hành vi không thực hiện việc điều chỉnh vốn điều lệ bằng số vốn thực tế thì có thể bị xử phạt hành chính theo Khoản 3, Điều 28; điểm c, khoản 5, Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính khi vi phạm các quy định về thành lập doanh nghiệp với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng - 20.000.000 đồng.

"Hoàn toàn không xử lý được hành vi đăng ký số vốn điều lệ quá lớn vì đó là quyền tự do kinh doanh, tính tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp được pháp luật trao cho", luật sư Lực nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn