MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sinh hai con đã là nhiều

LƯƠNG HẠNH LDO | 07/05/2023 22:11
Ngoài chi phí sinh nở còn các chi phí về giáo dục, y tế, sinh hoạt... khiến các cặp vợ chồng không dám sinh quá hai con. Họ mong mỏi đem lại cho con cuộc sống đủ đầy hơn là có "con đàn, cháu đống". 

Vợ chồng chị Lê Thị Luận (SN 1990, quê Thanh Hóa) đã có 4 năm làm công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). Mức lương cơ bản của chị Luận là khoảng 4,7 triệu đồng/tháng chưa tính các khoản phụ cấp khác.

Thời điểm đầu năm 2023, công ty ít việc, chị Luận chỉ được đi làm ca hành chính. Thu nhập vốn ít ỏi nay càng eo hẹp khiến chị Luận phải cắt giảm chi tiêu rất nhiều thứ trong gia đình.

Hai con còn nhỏ, trung bình mỗi tháng, tiền học ở một trường tư của cháu thứ 2 đã ngốn của chị hết 2 triệu đồng. Còn cháu lớn ngoài tiền học phí ở trường, vợ chồng chị phải cho cháu đi học thêm.

Vợ chồng chị Luận không dám sinh quá 2 con do áp lực kinh tế. Ảnh: Lương Hạnh

“Đụng đến gì cũng cần tiền. Đi chợ cũng phải nâng lên, đặt xuống mớ rau đắn đo xem có nên mua không, càng không dám nghĩ đến chuyện sinh thêm đứa nữa” - chị Luận bày tỏ.

Bươn chải ở thủ đô, đầu tắt mặt tối trên nhà máy, tổng tiền lương mà anh Phan Huy Mạnh (SN 1990, Hà Tĩnh) nhận về khoảng 12-13 triệu đồng mỗi tháng. Nam công nhân cho biết, số tiền này ở quê có thể không nhỏ nhưng so với ở Hà Nội cũng chẳng thấm vào đâu.

Trong căn phòng trọ rộng khoảng 20m2, gia đình anh Mạnh gồm 4 người sinh sống. Mọi khoản chi trong gia đình anh đều nhờ vợ tính toán, chi tiêu. Mỗi tháng, anh đưa cho vợ khoảng 10 triệu tiền lương, chuyển vào tài khoản của vợ. Anh chỉ giữ lại khoảng 1-2 triệu đồng để chi trả tiền xăng xe và tiền ăn sáng.

Dù có mức thu nhập khá so với các công nhân khác, anh Mạnh (áo trắng) cũng không dám sinh thêm con. Ảnh: Lương Hạnh.

Theo anh Mạnh, cuộc sống của vợ chồng công nhân nhiều lúc rơi vào bế tắc. Nguyên nhân chính cũng bởi vì thiếu tiền. Mong mỏi lo cho hai con được đủ đầy càng khiến vợ chồng anh không muốn sinh thêm con thứ 3.

“Tiền dành dụm được không nhiều, trong khi chúng tôi phải lo rất nhiều thứ: Con ốm đau, bố mẹ già bệnh tật, vật giá đắt đỏ...” - anh Mạnh cho biết thêm.

Anh Mạnh cho rằng, sinh một con hoặc hai con hay thậm chí 3 con không phải là vấn đề. Quan trọng là các cặp vợ chồng có kinh tế vững vàng để lo chu toàn cho cả gia đình hay không.

“Ngoài vấn đề kinh tế, việc phải phân chia thời gian giữa vợ và chồng để chăm lo cho các con cũng khiến vợ chồng tôi phải tranh cãi. Vợ tôi không thể tăng ca vì phải về sớm đón con còn tôi cố nán lại nhà máy để làm thêm. Nuôi một đứa con trưởng thành không phải chỉ tính riêng chi phí sinh nở mà còn là chi phí giáo dục, sinh hoạt…” – nam công nhân nói.

Không chỉ vậy, anh Mạnh cũng bày tỏ lo ngại, khi còn trẻ và có sức khỏe, nếu không tăng cường làm việc, kiếm tiền tích lũy cho tuổi già; đến khi yếu dần, không còn khả năng lao động sẽ lại phải phụ thuộc vào các con. 

Theo Tổng cục Thống kê, hiện nay tổng tỷ suất sinh (số trẻ sinh ra trên tổng số phụ nữ trong độ tuổi sinh nở) của TP HCM là 1,39 con mỗi phụ nữ, mức rất thấp so với mức sinh thay thế trên toàn quốc là 2,09 con. Tỷ lệ sinh của Việt Nam năm 2022 là 2.01 con, thấp nhất kể từ 2018.

Có nhiều yếu tố tác động đến mức sinh thấp như chất lượng môi trường sống, áp lực kinh tế, tâm lý và sức khỏe của các cặp vợ chồng, sự thay đổi về quan điểm kết hôn và sinh con trong thanh niên hiện nay. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn