MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sinh viên bị lừa tiền khi tham gia đặt đơn hàng nhận hoa hồng

Mạnh Cường LDO | 13/08/2023 18:33

Lướt mạng xã hội Facebook, anh Nguyễn Văn Khanh (tên nhân vật đã được thay đổi) - sinh viên một trường Đại học tại Hà Nội vô tình thấy quảng cáo tuyển cộng tác viên kiểm duyệt đơn hàng cho Shopee. Công việc chỉ đơn giản vào nhận đơn, chốt đơn, gửi đơn sau đó nhận hoa hồng từ 12 - 20% giá trị đơn hàng.

Theo lời người hướng dẫn (kẻ gian), các thao tác chỉ là ảo để tăng lượt mua cho đơn hàng không yêu cầu phải thanh toán nhận hàng. Ban đầu, kẻ gian cho anh Khanh làm 5 nhiệm vụ thêm 5 sản phẩm vào giỏ hàng được trả công 100.000 đồng. Sau đó, dùng số vốn này vào nhận, đặt, gửi các đơn hàng có giá trị chỉ vài chục nghìn đồng. Hoàn thành mỗi đơn hàng đều nhận được tiền gốc và hoa hồng đúng cam kết.

Kẻ gian mô tả công việc lừa đảo đặt đơn hàng. Ảnh: NVCC.

Sau 5 đơn hàng đầu tiên thực hiện trong 20 phút, anh Khanh rút về tài khoản ngân hàng tổng cộng 358.000 đồng. Trong đó 230.000 đồng là tiền gốc còn lại là tiền hoa hồng.

Đến đơn hàng thứ 6, hệ thống đưa ra sản phẩm trị giá 400.000 đồng và yêu cầu anh Khanh nạp tiền vào để thực hiện. Nghĩ kiếm tiền dễ như các đơn hàng trước, nam sinh viên đã nạp tiền ngay lập tức.

Đơn hàng thứ 7 là một sản phẩm trị giá 4.002.000 đồng, anh Khanh có thắc mắc về việc giá trị đơn hàng cao thì kẻ gian nói hệ thống gửi ngẫu nhiên. Để tăng niềm tin, kẻ gian còn gửi kèm ảnh căn cước công dân (giả mạo) và khẳng định chắc nịch làm xong 5 nhiệm vụ sẽ được rút tiền về.

Anh Khanh tin tưởng nạp số tiền trên để thực hiện đơn hàng. Đơn hàng thứ 8 là một sản phẩm trị giá 6.200.000 đồng. Thắc mắc, nghi ngờ nhưng đâm lao thì phải theo lao, anh Khanh cắn răng tiếp tục chuyển số tiền bố mẹ vừa gửi để đóng học phí cho kẻ gian.

Đơn hàng thứ 9 là một sản phẩm máy ảnh trị giá đến 44 triệu đồng. Lúc này, anh Khanh đã thử hỏi vay mượn bạn bè thậm chí còn ra tiệm cầm đồ nhưng vẫn không đủ số tiền. Thấy vậy, kẻ gian nói đã xin hỗ trợ phòng tài chính 30% số tiền và yêu cầu anh Khanh nhanh chóng nạp vào trước 13h30 chiều để thực hiện đơn hàng.

Kẻ gian nói hỗ trợ 30% giá trị đơn hàng và thúc giục anh Khanh nhanh chóng nạp đủ số tiền trước 13h30. Ảnh: NVCC.

Sau khi hỏi đủ nơi cũng không gom được hơn 30 triệu đồng (trừ đi 30% hỗ trợ), anh Khanh quyết định dừng lại không tham gia nữa. Hỏi về số tiền 3 nhiệm vụ trước thì kẻ gian nhất quyết khẳng định phải làm đủ 5 nhiệm vụ mới được rút tiền về. Trao đổi, năn nỉ hồi lâu không được, lúc này anh Khanh mới biết bản thân đã bị lừa.

"Bố mẹ gửi 7 triệu đồng, của tôi hơn 3 triệu tổng là hơn 10 triệu để đóng học phí nhưng chưa kịp đóng đã bị kẻ gian lừa đảo chiếm mất” - anh Khanh nói về số tiền bị lừa.

Cùng cảnh ngộ với anh Khanh, sinh viên Nguyễn Thị Linh (tên nhân vật đã được thay đổi) - 20 tuổi, ngụ tại quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết bản thân cũng bị kẻ gian lừa mất số tiền 6,7 triệu đồng.

“Những đơn hàng đầu tiên, kẻ gian yêu cầu tôi thực hiện có giá trị rất thấp, chỉ chưa đến chục phút đã kiếm được hơn 100.000 đồng tiền hoa hồng. Các đơn hàng sau, giá trị tăng cao dần từ 500.000, 1,5 triệu đồng rồi 4,7 triệu đồng, tôi phải nạp tiền vào mới thực hiện được” - chị Linh kể lại.

Theo chị Linh, hoàn thành xong mỗi đơn hàng, tiền gốc và tiền hoa hồng sẽ được cộng ngay nhưng ở trong tài khoản của hệ thống. Và kẻ gian vẫn thực hiện chiêu bài chỉ được rút tiền sau khi thực hiện xong 5 đơn hàng.

Cả anh Khanh và chị Linh đều cho biết, kẻ gian tạo các website giả mạo sàn thương mại điện tử Shopee hay Lazada giao diện rất giống với trang web gốc. Điểm khác duy nhất là một vài chữ cái ở tên website nên rất khó nhận biết, khiến nạn nhân tưởng đang làm việc cho các sàn thương mại điện tử uy tín.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn