MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sinh viên chi tiêu cần tránh "đầu tháng quán sang, cuối tháng húp mì"

LƯƠNG HẠNH LDO | 06/08/2022 16:02
Theo nhiều phụ huynh, việc chi tiêu của sinh viên những năm đầu đại học phải có sự kiểm soát từ gia đình, tránh tình trạng "đầu tháng quán sang, cuối tháng húp mì". 

Con gái học đại học năm nhất, bà Thu Hiền (giáo viên, Nam Định) bắt đầu lo chuyện ăn ở của con. Sau khi sắp xếp xong phòng trọ, bà Hiền nghĩ cách kiểm soát việc chi tiêu của con gái.

"Trung bình một tuần tôi gửi vào tài khoản cho con 1 triệu đồng. Cứ khi nào con hết tiền, báo cho tôi, tôi lại gửi thêm. Nếu gửi nguyên 4-5 triệu đồng/lần cho con, cháu sẽ khó biết cách chi tiêu, ăn uống sao cho hợp lí", bà Hiền chia sẻ.

Theo bà Hiền, con gái bà ít bạn bè, ngại tiệc tùng xã giao, số tiền 1 triệu/tuần bà gửi đã đủ để cho con chi tiêu. Đối với các khoản khác như tiền thuê trọ, tiền mừng cưới... bà sẽ gửi thêm cho con sau.

Khi được hỏi chu cấp cho sinh viên 3 triệu/tháng liệu có đủ, bà Hiền chia sẻ: "Bây giờ giá cả cái gì cũng tăng. Nếu muốn con có một điều kiện sống tốt hơn, đủ sức khỏe để học tập thì theo tôi nên gửi khoảng 4 triệu đồng/tháng". 

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Hòa cũng cho rằng nếu chưa tính đến chi phí xăng xe, tiền điện thoại, internet và những khoản chi cho sách vở, dụng cụ học tập... thì 3 triệu đồng/tháng với sinh viên là "khó sống".

"Nói chung giai đoạn đầu sinh viên mới nhập học gia đình nên hỗ trợ khoảng 4,5 - 5 triệu đồng/tháng. Sau đó, để các con tự đi làm thêm. Nhưng cần xác định rõ mục đích chính khi lên Hà Nội vẫn là học tập thay vì lao đầu vào kiếm tiền", bà Hòa nói.

Có con gái học năm thứ 2 đại học, hiện đang ở ký túc xá của trường, bà Đỗ Linh cho hay các phụ huynh cần đồng ý, ủng hộ cho các con đi làm thêm.

"Hằng tháng tôi cũng gửi 3 triệu đồng tiền ăn cho cháu, tiền đóng ký túc xá gửi riêng. Gia đình chỉ nên cung cấp nhu cầu cơ bản như tiền ăn, ở. Các nhu cầu các nếu muốn thì các cháu phải tự kiếm thì mới mau cứng cáp được", bà Linh cho hay. 

Theo bà Linh, câu chuyện chi tiêu hỗ trợ sinh viên cũng giống như câu chuyện cân đối chi tiêu trong gia đình. Tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế mà cân đối chi tiêu và thói quen sinh hoạt.

Với bà Quỳnh Phương (Lào Cai), gia đình bà có thể chu cấp cao hơn 3 triệu đồng/tháng nhưng bà không làm vậy vì lo con trai bà tiêu xài không hợp lý.

"Theo tôi, nên cho cháu 1 đến 2 học kỳ để làm quen với Hà Nội, sau đó xin đi làm thêm. Cháu sẽ có thêm khoảng 3 đến 4 triệu đồng chi tiêu cho các nhu cầu cuộc sống và có tiền dự phòng những lúc khẩn cấp. Đi làm thêm sẽ là rất tốt, vừa có thêm thu nhập cũng vừa dạy các cháu biết kiếm tiền và quý trọng đồng tiền. Nhưng nếu thiếu thốn quá và cháu phải tập trung vào đi làm nhiều hơn thì việc học sẽ bị sao nhãng. Vì vậy, cân bằng được thì là tốt nhất", bà Phương  bày tỏ. 

Sinh viên chi tiêu bao nhiêu tiền một tháng là đủ?

Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này qua email của Báo Lao Động: toasoan@laodong.com.vn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn