MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều sinh viên vừa đi học vừa làm thêm. Ảnh: Vân Trang

Sinh viên đi làm thêm: Đồng tình hay cấm cản?

Minh Bằng LDO | 11/04/2024 10:59

Khi con gái tôi tròn 17 tuổi, một hôm cháu nói: “Xin phép bố mẹ cho con đi làm thêm, chỉ là chạy bàn ở quán cà phê gần trường, họ trả 15.000 đồng mỗi giờ”. Tôi ngạc nhiên vì con gái chúng tôi nuôi từ bé đến lớn gần như không phải làm việc gì nặng nhọc, chi phí cung cấp cũng không đến nỗi thiếu hay nói đúng hơn, nếu con đề xuất gì, thấy hợp lý là chúng tôi đáp ứng.

Tôi hỏi lại: “Con cần tiền đến thế sao” thì cô con gái - sinh viên năm thứ nhất nói: “Vấn đề không phải là tiền mà là trải nghiệm. Bố yên tâm, con đủ lớn để biết cần phải làm thêm như thế nào để không ảnh hưởng tới chuyện học hành”.

Tôi đồng ý và chỉ dặn nhớ đảm bảo sức khỏe và từ đó chưa bao giờ hỏi về số tiền con kiếm được nhưng thay đổi rõ rệt nhất là cô con gái biết quý trọng đồng tiền, tiêu pha chín chắn hơn rất nhiều.

Thế hệ sinh viên 7X như chúng tôi, đứa ở thành phố, đứa từ quê lên nhập học nhưng việc đi làm thêm không nhiều, chủ yếu là phong trào gia sư. Thế nhưng chủ yếu là quan niệm: Sinh viên - trí thức tương lai mà đi làm việc bưng bê, chân tay. Thế nên nhiều sinh viên đói đấy, gặm bánh mì không chờ tiền nhà gửi lên chứ nhất định không chịu đi làm thêm.

Thế hệ trẻ bây giờ đã khác, tất nhiên họ cũng cần tiền nhưng cái cần hơn, có lẽ là muốn sớm được tham gia vào môi trường kinh doanh, để học hỏi và trải nghiệm.

Vấn đề ở đây vẫn là: Làm sao cân bằng được việc học (việc chính) với thời gian đi làm thêm?

Tại dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, trong đó có đề xuất quy định thời gian làm thêm tối đa của sinh viên không quá 20 giờ/tuần khi đang trong học kỳ và không quá 48 giờ/tuần trong thời gian nghỉ. Đồng thời Bộ LĐTBXH cũng đề xuất các cơ sở giáo dục quản lý giờ làm thêm của sinh viên.

Đề xuất này có lý do của nó, bởi xã hội hiện đại có nhiều công việc chiếm dụng thời gian, sức lực của sinh viên dẫn đến các em chỉ tập trung đi làm, không lo học. Đặc biệt là những công việc không giúp gì cho chuyên môn, chuyên ngành mà các em đang theo đuổi. Chủ yếu là mục đích kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Cần thống nhất với nhau rằng, sinh viên cần đi làm thêm, tùy vào khả năng, sở thích và tận dụng thời gian khoa học hợp lý. Nhưng cơ chế nào để kiểm soát, giám sát sinh viên làm thêm đúng giờ. Nếu yêu cầu các trường giám sát thì không khả thi bởi họ chỉ có thể quản lý giờ giấc của sinh viên trên giảng đường, thời gian còn lại thì ai biết sinh viên làm gì, ở đâu?

Như vậy, việc quản lý giờ làm thêm vẫn phụ thuộc vào hai chủ thể là sinh viên là người sử dụng lao động. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy ở nhiều quốc gia, việc cho sinh viên làm thêm phải có đăng ký với cơ quan chức năng, người sử dụng lao động phải cam kết về giá tiền công theo giờ, độ tuổi và thời gian làm việc. Khi bị phát hiện yêu cầu sinh viên làm thêm quá giờ quy định sẽ phạt rất nặng. Ở vế còn lại chính sinh viên là người quyết định việc mình làm bao nhiêu giờ, có ảnh hưởng tới học tập và sức khỏe không?

Đưa ra một quy định nhưng không có cơ chế giám sát thì quy định đó sẽ không có giá trị trong cuộc sống. Đó là vấn đề mà Bộ LĐTBXH cần lưu tâm, xem xét.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn