MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phương Anh hát giao lưu cùng bạn bè và thầy cô trong buổi lễ chào tân sinh viên. Ảnh: Ngọc Anh

Sinh viên khiếm thị mơ ước học Thạc sĩ ở Mỹ để giúp những người yếu thế

Cam Ly LDO | 27/02/2023 09:32
Nhận được sự quan tâm, trợ giúp từ thầy cô, bạn bè, không ít sinh viên khiếm thị đã được tiếp thêm động lực vượt qua “bóng tối”, tìm thấy niềm tin, ánh sáng từ cuộc sống. 

Không thể ngồi im

Hoàng Tiến Cường (hiện là sinh viên năm 2 ngành Công tác xã hội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) được bạn bè nhận xét là một người không vì khiếm khuyết của bản thân mà mất đi sự tự tin.

Tiến Cường rất cởi mở, nếu có thể giúp đỡ mọi người khi cần, cậu sẽ giúp bằng toàn bộ sức lực của mình mà không chút nề hà. 

Chia sẻ về lý do chọn ngành học Công tác xã hội, Tiến Cường cho biết: “Hồi 5 tuổi, tôi chứng kiến người giúp việc ở nhà một người quen bị mắng rất nặng lời. Khi đó, tôi thấy rất thương những người này".

Đến lúc học cấp 2, cấp 3, Tiến Cường vẫn nhớ về câu chuyện xưa.

"Tôi bắt đầu tìm hiểu ngành Công tác xã hội và quyết định theo học ngành này để sau có thể đóng góp sức lực bản thân, trợ giúp cho những người yếu thế, khó khăn" - Tiến Cường nói.

Bạn trẻ này luôn tập trung vào việc học và có những điểm số đáng nể. Tiến Cường dự định sẽ tiếp tục học thạc sĩ ngành Công tác xã hội tại Mỹ. 

Bản thân là một người có khiếm khuyết nhưng Tiến Cường vẫn luôn dành sự quan tâm của mình cho những mảnh đời khó khăn hơn. Như việc kêu gọi ủng hộ số tiền lên tới hàng chục triệu đồng cho một chương trình tình nguyện của câu lạc bộ trong trường.

Tiến Cường được nhận xét là một người rất hoà đồng, tốt bụng. Ảnh: Tiến Cường

Tiến Cường bộc bạch: “Nhiều người cho rằng, người khiếm thị không cần thiết phải làm tình nguyện, không có khả năng làm vì đơn giản chính họ cũng là đối tượng thụ hưởng, là người yếu thế thì giúp đỡ gì được ai. Đó là định kiến".

Tinh thần học tập tích cực

Bên cạnh Tiến Cường, trong Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tiêu Phương Anh cũng được biết tới là một sinh viên nghị lực, luôn mang tới tinh thần tích cực cho mọi người và các lớp học.

Đặc biệt, Phương Anh nhận được rất nhiều sự ngưỡng mộ khi theo học cùng lúc 2 ngành là Văn hoá học và Báo chí trong cùng một trường.

Phương Anh bộc bạch: “Thực sự nó chỉ là đam mê muốn theo đuổi cùng với sự ham học hỏi của bản thân. Ban đầu, mình muốn học báo chí nhưng vì một số lý do hơi tế nhị nên mình không thể vào luôn được. Khi biết trường có chương trình học bằng kép, lúc đó, mình thực sự rất là vui”.

Cô bạn cho biết, hạn chế lớn nhất trong học tập là việc tiếp cận với tài liệu. Đôi khi không có những tài liệu hoàn toàn là PDF, nhiều khi phải tự đi scan toàn bộ cuốn sách để đọc, mất khá nhiều thời gian và chi phí.

Trong sinh hoạt, có những lúc Phương Anh chỉ ở một mình, muốn đi mua cái gì thì không phải lúc nào cũng nhờ được các bạn. Nếu tự đi thì chỉ đi được gần, cái gì cần gấp lại phải đặt xe để đi xa hơn một chút.

Tuy vậy, Phương Anh lại nhận được rất nhiều sự giúp đỡ nhiệt tình từ thầy cô và thầy cô luôn là những người truyền cảm hứng cho cô bạn. Còn bạn bè sẽ thường giúp đỡ trong việc mua tài liệu, hỗ trợ di chuyển từ địa điểm này sang địa điểm khác.

Phương Anh còn được biết tới là một người rất năng nổ trong các hoạt động của trường, lớp. Cô bạn từng là thành viên ban Văn - Thể - Mỹ của Câu lạc bộ Hoa đá Nhân văn - là nơi các thành viên khuyết tật và không khuyết tật cùng giao lưu, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau lan tỏa những giá trị tích cực đến cộng đồng.

“Khi tham gia các hoạt động, mình cảm thấy tự tin, đồng thời học được thêm nhiều kỹ năng bổ trợ khác, thấy rất là vui vẻ, làm cho tinh thần của mình sảng khoái hơn sau tuần học tập căng thẳng” – Phương Anh chia sẻ.

Được hỏi về sự thúc đẩy để có thể phát triển bản thân, Phương Anh cho rằng: “Khi mình vào một môi trường đại học, mình cần có sự tự tin, hoà nhập với mọi người. Đó chính là động lực lớn nhất để mình có thể tham gia được các hoạt động của trường, lớp”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn