MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quang mong được về ăn bữa cơm thân mật bên gia đình. Ảnh: Lê Quang

Sinh viên ký túc xá suốt ngày ăn cơm bụi: Thèm lắm bữa cơm gia đình

Phương Trang LDO | 02/03/2023 07:09

Nhiều sinh viên đi học xa quê đã chọn ở ký túc xá. Tuy nhiên, ở đây không được nấu ăn, nhiều người suốt ngày chỉ có “cơm hàng cháo chợ”.

Ăn cơm tiệm quanh năm đến phát ngán - đó là nỗi lòng chung của nhiều sinh viên. Đỗ Lê Quang (sinh viên năm nhất, Đại học Luật Hà Nội) cũng mang trong lòng nỗi buồn xa nhà, phải sống trong cảnh “cơm hàng cháo chợ”.

Lê Quang bày tỏ: “Từ ngày ra Hà Nội học tập, tôi đã chọn ký túc xá để sinh sống. Ở đây không cho phép sinh viên nấu nướng nên tôi phải đi ăn hàng suốt ngày. Đồ ăn ở đây hôm mặn, hôm nhạt, nêm nếm không hợp khẩu vị của mình. Có nhiều lúc ăn chỉ để no chứ không thấy ngon lành gì”. 

Bạn trẻ này đã đổi nhiều quán cơm “bụi”. Chỗ thức ăn ngon thì cơm quá khô, nhuốt không nổi. Có chỗ cơm dẻo, ngon thì đồ ăn nguội ngắt, không thể ăn. Nếu ra ngoài thuê trọ thì Lê Quang có thể tự nấu ăn theo sở thích của mình rồi.

“Tôi muốn ở trong ký túc xá một phần vì an ninh. Tiền phòng mỗi tháng khá rẻ, hợp với tài chính của gia đình tôi. Một tháng tiền phòng là 500.000 đồng, tiền điện nước nữa tổng sẽ khoảng hơn 600.000 đồng. Nhưng với tình trạng này, chắc hết kỳ tôi sẽ xin đi làm thêm, sau đó sẽ chuyển ra ngoài sống cho tự do, thoải mái”, Quang tâm sự.

Quang quê ở Nghệ An nên khi ra Hà Nội sinh sống và học tập, việc ăn uống không hợp khẩu vị. “Mỗi bữa ăn của tôi khoảng 30.000 đồng – 40.000 đồng, so với giá thành không phải rẻ mà đồ ăn còn không được ngon”, Quang bày tỏ.

Ngày nào Lê Quang cũng phải suy nghĩ hôm nay ăn gì. Theo bạn này, ở trọ thoải mái hơn nhiều, muốn ăn gì thì mua về nấu, nêm nếm theo khẩu vị của mình. Một ngày ăn cơm bụi 2 bữa làm bạn này ngán đến tận cổ, đồ ăn ở ngoài thì mắc nhưng không đầy đủ dưỡng chất.

Phùng Diệu Linh (sinh viên năm 4, Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải) chỉ mong đến cuối tuần để được về ăn cơm với gia đình.

Linh luôn trân trọng những khoảnh khắp sum vầy bên gia đình. Ảnh: Diệu Linh

Diệu Linh tâm sự: “Cứ 1 tháng, tôi lại về quê thăm bố mẹ một lần. Quê tôi ở Thanh Hoá nên đi xe khách về cũng nhanh. Bố mẹ tôi sợ con gái ở ngoài không đảm bảo an ninh nên đã thuê cho tôi một phòng ở trong phòng ký túc xá để ở”.

Bạn trẻ này rất thích nấu ăn, nhưng khi ở trong kí túc xá lại không thể trổ tài nấu nướng. Linh đành phải đi ra ngoài ăn. Hầu hết các buổi trong tuần, bạn này đều ăn cơm “bụi”. Hôm nào Linh cảm thấy quá ngán không thể ăn nổi thì sẽ ăn đồ nước như bún hay phở.

“Ở ký túc xá chỉ chờ đến cuối tuần để về nhà ăn cơm mẹ nấu, với tôi không có gì ngon bằng cơm nhà. Tuy chỉ là những món ăn dân dã, từ những thứ có sẵn trong vườn nhưng ngon lắm, ở Hà Nội chẳng có món gì so sánh được. Tôi rất thèm hương vị cá kho mà mẹ tôi nấu”, Linh trải lòng.

Linh là một người sống nội tâm, tình cảm nên những bữa cơm gia đình được quây quần, trò chuyện vui vẻ là điều quan trọng nhất với bạn. 

“Bình thường mẹ nấu cơm ở nhà thì không chịu ăn. Khi tôi đi học rồi mới hiểu được sự quan trọng của bữa cơm gia đình.  Thời gian đầu, khi mới ra Hà Nội, tôi gọi điện về nhà khóc với mẹ vì cơm không hợp khẩu vị. Khi ấy tôi đã bị tụt 3 cân sau 2 tháng ra Hà Nội”, Linh mắt ngấn lệ nói.

Linh hay qua nhà trọ của bạn bè để ăn “ké”. Mỗi lần được vào bếp nấu ăn bạn Linh lại vui tươi tới lạ thường. Tuy không phải món cao sang nhưng tự tay mình nấu cũng cảm thấy ngon. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn