MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sinh viên nán lại Thủ đô đến 30 Tết Âm lịch, cố kiếm thêm thu nhập

NGUYỄN DUY LDO | 08/01/2023 12:14

Dịp Tết, nhiều bạn sinh viên dự định cố nán lại Thủ đô đến sáng ngày 30 Tết Âm lịch, kiếm thêm thu nhập, phụ giúp gia đình.

Là nhân viên chăm sóc khách hàng của một công ty truyền thông được hơn nửa năm, số tiền lương hàng tháng của Đàm Hồng Vân (sinh viên năm 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chỉ đủ để trang trải chi phí thuê trọ. Làm công việc này, Hồng Vân hưởng mức lương cơ bản 17.000 đồng/giờ, mỗi ngày làm từ 4 - 5 tiếng.

Trước khi làm việc ở đây, Hồng Vân cũng đã từng là nhân viên part time phục vụ quán trà sữa, cửa hàng tiện lợi và bán hàng thời trang.

“Về nhà tôi chỉ mất khoảng 2 tiếng nên năm nào tôi cũng cố gắng làm đến hết sáng 30 Tết để kiếm thêm thu nhập”, Hồng Vân tâm sự.

Công việc trước đây của Vân nặng nhọc hơn nhiều nhưng lại không có thưởng Tết. Ảnh: Nguyễn Duy.

Theo Hồng Vân, hiện tại, công ty mà Vân đang làm cũng đã có phương án thưởng Tết. Đối với nhân viên có thời gian làm việc từ 3 tháng trở lên sẽ được thưởng 300.000 đồng; 500.000 đồng đối với nhân viên có thời gian làm việc từ 6 tháng trở lên.

“Mặc dù mức thưởng không quá cao, nhưng đây cũng là niềm vui đối với tôi trong những ngày giáp Tết khi còn phải làm việc xa nhà", Hồng Vân vui vẻ nói.

Năm nay cũng như các năm, Hồng Vân vẫn ở lại làm thêm đến hết sáng 30 Tết.

Sau khi được nghỉ học ở trường từ ngày 24 Âm lịch, mỗi ngày nữ sinh sẽ đều làm thêm từ 8-10 tiếng. Đi làm vào những ngày này, Hồng Vân được hưởng gấp 2 lần mức lương ngày thường. Việc này sẽ giúp Hồng Vân có thêm một khoản để giúp đỡ bố mẹ.

Ở lại làm thêm được ngày nào, Lê Hoài Thương (sinh viên năm 2, Đại học ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng) thêm mừng ngày ấy. Bởi, gia cảnh của nữ sinh này không mấy khá giả. Mẹ Thương mất sớm, đã từ lâu, Hoài Thương phải tự xoay xở với các chi phí sinh hoạt của bản thân. 

Hiện tại, Hoài Thương đang là nhân viên lễ tân của một khách sạn với mức lương 20.000 đồng/giờ, các buổi làm không cố định. Do đó, Hoài Thương có thể dễ dàng sắp xếp hợp lí thời gian giữa việc học và đi làm thêm. Với Thương, việc học vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Ngoài công việc chính là làm nhân viên lễ tân, Hoài Thương (bên phải) cũng tham gia dẫn tour để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Nguyễn Duy.

Ngoài ra, nữ sinh cũng tham gia các tour dẫn du khách nước ngoài thông qua một công ty du lịch vào buổi tối. Việc này vừa để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống, vừa giúp Hoài Thương học tập thêm ngoại ngữ. 

Khi được hỏi về chính sách thưởng Tết của nơi đang làm việc, Thương tâm sự: “Khách sạn đã có phương án thưởng Tết, tuy nhiên chỉ có nhân viên chính thức mới nằm trong danh sách nhận thưởng, nhân viên part time như tôi thì không có".

Nguyễn Thanh Sơn (sinh viên năm nhất, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông), hiện đang là nhân viên part time trực tổng đài của một nhà xe. Vào thời điểm cuối năm, nhu cầu về quê tăng cao, khối lượng khách đặt xe cũng nhiều hơn.

Tuy công việc vất vả nhưng thu nhập những ngày cận Tết của Thanh Sơn khá cao. Từ ngày 26, công ty Thanh Sơn áp dụng mức lương nhân đôi, riêng ngày 29 và 30 Âm lịch sẽ được gấp 3 lần mức lương ngày thường.

“Công việc của tôi là hỗ trợ khách đặt vé. Nhận cuộc gọi, ai cũng nôn nóng đặt chuyến sớm nhất để về quê ăn Tết cùng gia đình, tôi cũng thấy hơi buồn và có một chút nhớ nhà nhưng ở lại làm thêm, đỡ đần bố mẹ vẫn hơn” - Sơn chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn