MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phương Thảo trong chuyến đi phòng, chống dịch tại TP.HCM vào tháng 8.2021. Ảnh: NVCC

Sinh viên ngành Y nói gì trước làn sóng y, bác sĩ nghỉ việc?

LƯƠNG HẠNH LDO | 23/07/2022 06:29
Trong khi các y, bác sĩ nghỉ việc liên tục thời gian gần đây vì rất nhiều nguyên do thì sinh viên ngành Y đang ngồi trên ghế nhà trường chỉ có một suy nghĩ duy nhất: Cố gắng tiếp tục học tập, tốt nghiệp với tấm bằng giỏi trên tay. 

Phải lấy được bằng giỏi

3 năm trước, khi vẫn còn là học sinh cấp 3, chị Đinh Thu Trang (SN 2002, Hà Nam) đã có ước mơ được khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, khám chữa bệnh, cứu người.

27 điểm 3 môn, với số điểm thi tốt nghiệp THPT như vậy, nữ sinh có rất nhiều cơ hội trong việc chọn ngành, chọn trường đại học. Tất nhiên, Thu Trang kiên định với ước mơ từ rất lâu trước đó của mình và đỗ vào Đại học Y Hà Nội chuyên ngành Y Đa khoa. 

Thế nhưng, ngay khi trở thành một sinh viên y thực thụ, Thu Trang mới thấm áp lực của việc theo học tại ngôi trường đạo ra y, bác sĩ hàng đầu Việt Nam. 

"Học rồi mới biết áp lực lớn hơn hẳn lúc tôi mới chỉ mơ ước. Tôi vừa phải học ở trường, vừa phải thực hành tại bệnh viện. Việc tiếp xúc với bệnh nhân, làm việc trực tiếp trên sức khỏe, sinh mạng của người khác khiến tôi phải học cách chịu được áp lực lớn" - Thu Trang bày tỏ. 

Với suy nghĩ đẹp rằng sẽ được chữa bệnh, cứu người, người đời trọng vọng, quý mến... Thu Trang lao đầu vào học tập để không bị tụt lùi với các bạn bè cùng trang lứa.

Khi được hỏi về việc có biết đến gần đây rất nhiều y, bác sĩ nghỉ việc, chuyển việc hay không, Thu Trang ậm ừ: "Tôi chỉ biết qua loa và có nghe các anh chị khóa trên nói về chuyện khi đi làm sẽ còn áp lực, vất vả hơn đi học nhiều. Công việc nào cũng vất vả nhưng tôi chưa nghĩ đến mức lương sau này nhận được là bao nhiêu.

Nhưng đã chọn thì phải theo tới cùng, tôi đã bỏ rất nhiều công sức để đỗ được vào, bây giờ bỏ thì tiếc lắm. Vì vậy, việc của tôi bây giờ là phải tốt nghiệp, phải lấy được bằng giỏi". 

Sẵn sàng đối mặt

Còn Trần Thị Phương Thảo (SN 1998, Nghệ An) đang là sinh viên năm cuối Đại học Y dược Thái Bình bày tỏ, việc hiện nay các bác sĩ nghỉ việc, chuyển việc là điều hết sức dễ hiểu. 

"Sinh viên y phải học ít nhất là 7,5 năm để có thể bắt đầu hành nghề. Nếu muốn lên vị trí cao hơn, tôi phải tiếp tục thi kỳ thi chọn bác sĩ nội trú hoặc học thạc sĩ. Thời gian khủng hoảng nhất của tôi có lẽ là khi đang học y năm thứ 4, khi thấy bạn bè cùng trang lứa đã tốt nghiệp, đi làm, kiếm được tiền còn mình thì vẫn học" - Phương Thảo chia sẻ.

Theo Phương Thảo, nữ sinh hiểu được tại sao học sinh giỏi vẫn cứ thích theo ngành y mặc dù biết trước có nhiều khó khăn, vất vả. 

"Đỗ trường y là mục tiêu cao mà chỉ người có năng lực mới đạt được. Đỗ được trường y tức là các bạn đã đạt được mục tiêu cao và khẳng định được phần nào mình là người có năng lực. Tuy nhiên, thực tế quá phũ phàng, không như trong tưởng tượng ban đầu khi mới bước chân vào ngành" - Thảo chia sẻ. 

Dành lời khuyên cho học sinh, sinh viên y khóa dưới, Phương Thảo hy vọng các em xác định được mục tiêu cho bản thân. "Phải nghĩ là học tập tốt, rèn chuyên môn, nâng cao tay nghề đã. Đừng nghĩ sẽ kiếm tiền sớm từ nghề này. Bên cạnh đó, cần xem xét về khả năng kinh tế gia đình vì hiện nay học phí ngành y tăng liên tục" - Thảo nói.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Anh (SN 1996, Nghệ An) hiện làm việc tại một bệnh viện tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Từng tốt nghiệp Trường Đại học Y dược Thái Bình, bác sĩ Tiến Anh cũng phải cân nhắc, đắn đo và tìm một nơi làm việc phù hợp. 

"Các bác sĩ mới ra trường sẽ xin về làm việc tại các bệnh viện công để học tập, rèn nghề sau đó mới xin chuyển sang các viện tư vì viện tư có mức thu nhập tốt hơn. Thực tế rất khốc liệt. Đến khi thực sự đi làm, cơm, áo, gạo, tiền khiến chúng tôi không thể dậm chân mãi một chỗ với mức thu nhập thấp được" - bác sĩ Tiến Anh bày tỏ. 

Song, vị bác sĩ trẻ cũng hy vọng các bạn sinh viên ngành Y không vì những gian nan đầu đời mà dễ dàng từ bỏ đam mê, lòng yêu nghề để tiếp tục cứu chữa cho bệnh nhân. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn