MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sinh viên và những áp lực năm cuối đại học

PHƯƠNG TRANG LDO | 25/02/2023 06:49

Nhiều sinh viên năm cuối của các trường đại học cảm thấy lo lắng, áp lực về thi tốt nghiệp, làm khóa luận tốt nghiệp, đi thực tập.

Lê Thị Trà My (sinh viên năm 4, Đại học Kiến trúc Hà Nội) cảm thấy áp lực học hành, công việc chỉ chiếm một phần, chủ yếu là áp lực trong suy nghĩ của bản thân.

“Có vẻ tôi đã chọn sai ngành học vì nhận ra mình hứng thú với những lĩnh vực khác. Một số môn trong chương trình đào tạo lại vượt quá khả năng, nhưng đó là môn bắt buộc nên tôi phải “ép” bản thân mình “học vẹt” khi không thực sự hiểu gì”, Trà My than vãn.

Trà My đôi khi cảm thấy mất phương hướng, không tin tưởng vào sự lựa chọn của bản thân. Ảnh: Trà My

Trà My cho biết, không chỉ có mình cảm thấy chán nản với ngành học mà bạn bè xung quanh cũng cảm thấy vô cùng mệt mỏi. “Có lẽ một phần do “hiệu ứng” đám đông nên mỗi khi đến trường, tôi không có cảm giác thích thú với tiết học nữa”, bạn Trà My cho hay.

Mặc dù không tha thiết với ngành học, nhưng tốt nghiệp đúng hạn vẫn là ưu tiên hàng đầu của My. Ngoài ra, những lần bị từ chối đơn xin việc làm cũng khiến bạn này thất vọng, rơi vào giai đoạn khủng hoảng tinh thần.

Bạn Trà My tâm sự: “Thời gian gần đây, tôi hay bị mất ngủ, ngủ không đều giấc. Mỗi khi nghĩ tới việc làm đồ án tốt nghiệp, thực tập năm cuối tôi lại cảm thấy lo lắng, trằn trọc không yên”. 

Tình trạng trên kéo dài khiến bạn này bị căng thẳng, hay đau đầu, dễ cáu gắt và sụt cân. “Cách đây 2 tuần, tôi đã phải truyền nước vì mệt mỏi, bỏ ăn. Điều này khiến bố mẹ tôi lo lắng vô cùng”, bạn Trà My cho biết.

Hiện tại, bạn này vẫn chưa có định hướng gì trong tương lai sau khi tốt nghiệp. Mục tiêu hiện tại của bạn Trà My là tốt nghiệp và ra trường đúng hạn.

Cao Thị Quỳnh Trâm (sinh viên năm 4, Đại học Kinh tế Quốc dân ) hiện tại cảm thấy hoang mang trước chặng đường sắp phải đối mặt, nhất là khi không biết bản thân thực sự muốn, đam mê gì.

Trâm chia sẻ: “Trong lòng tôi cứ lặp đi, lặp lại rất nhiều câu hỏi: Liệu mình có thể sống và gắn bó với ngành nghề đã chọn không? Liệu đây có phải là con đường bản thân mong muốn? Không ít bạn bè đã có định hướng cụ thể, trong khi đó bản thân tôi còn rất bối rối, chưa xác định được rõ ràng”.

Thời gian đầu, khi vừa phải làm khoá luận tốt nghiệp, vừa phải đi thực tập, Trâm vô cùng mệt mỏi, kiệt sức, thời gian nghỉ ngơi rất hiếm hoi. Sau này, khi biết cách phân bổ thời gian hợp lý, khoa học, Trâm đã bớt đi phần nào gánh nặng trên vai.

Quỳnh Trâm cố gắng nỗ lực hết mình để có được thành tích cao trong năm cuối đời sinh viên. Ảnh: Quỳnh Trâm

“Tôi đã liên tục đối mặt với những lần kiệt quệ sức khỏe lẫn cảm xúc. Trăn trở lớn nhất của tôi là tìm hướng đi phù hợp để phát triển bản thân. Tôi sợ ra trường không kiếm được công việc như ý hay bố mẹ không tự hào về mình. Vô vàn nỗi sợ bủa vây khiến tôi phải “tăng tốc” hơn nữa”, Trâm trải lòng.

Quỳnh Trâm cho biết, ở độ tuổi này, nhiều bạn trẻ khao khát chứng tỏ và được công nhận bởi mọi người nên vô hình trung tạo sự thúc ép cho mình. Theo bạn này, tự có ý thức thúc đẩy bản thân cũng khá tốt. Nhưng nên biết cách dung hoà giữa việc học và việc nghỉ ngơi, tránh trường hợp kiệt sức.

Theo Trâm, dù muốn hay không thì đây cũng là con đường mình đã chọn. Vậy nên, Trâm sẽ nỗ lực hết sức để đạt được kết quả cao nhất.

“Những lúc cảm thấy bế tắc, mệt mỏi, tôi sẽ đi nhâm nhi một cốc cà phê, tâm sự với bạn bè. Đây là một cách tôi cảm thấy rất hiệu quả. Bản thân tôi cảm thấy, mọi người xung quanh có thể cho mình những lời khuyên bổ ích”, Quỳnh Trâm tâm sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn