MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
(ảnh minh họa).

“Sờ mông, sờ đùi” học sinh không mang đến yêu thương mà gây tổn thương

Thế Lâm LDO | 10/03/2019 07:30
Dư luận vẫn chưa nguôi với vụ việc thầy giáo D.T.M ở Bắc Giang bị “tố” dâm ô khi có hành vi “sờ mông, sờ đùi” học sinh nữ. Nhận định về hành vi này, hiện vẫn còn những ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều…

Việc kết luận thầy giáo M. có phạm tội “dâm ô” hay không chỉ có các cơ quan pháp luật, mà cao nhất là tòa án, mới có đủ thẩm quyền phán quyết.

Song ở góc độ xã hội, đặc biệt của xã hội năm 2019 khi những qui định về quyền trẻ em, chống lạm dụng tình dục trẻ em và văn hóa ứng xử trong học đường với học sinh đang được rất quan tâm thì hành vi “véo tai, véo mũi, dí vai, sờ mông, sờ đùi” của thầy giáo M. đối với các học sinh nữ là không thể chấp nhận được.

Học sinh nữ lớp 5 là ngưỡng tuổi sắp dậy thì, là thời điểm rất nhạy cảm về mặt tâm sinh lí, chính vì thế là bậc thầy giáo càng cần có cách hành xử và ứng xử thích hợp, tế nhị hơn với các em.

Hành vi bày tỏ tình cảm yêu thương của thầy đối với trò thì ở môi trường nào cũng có thể có, nhưng không thể suồng sả hay bỗ bã, ngược lại cần sự chừng mực. Bày tỏ tình cảm nhưng để học sinh cảm nhận được thầy yêu mến trò không có nghĩa là cứ phải va chạm, cọ xát bằng bộ phận cơ thể.

Trong nhà trường, đối với các học trò nhỏ, thầy cô cũng như cha như mẹ, đôi khi một ánh mắt trìu mến, một câu nói trân trọng yêu thương… cũng có thể thể hiện được tình cảm của thầy cô đối với trò chứ đâu nhất thiết phải “sờ mông, sờ đùi”, nhất là đối với học sinh nữ.

Xã hội đã thay đổi theo hướng văn minh lên rất nhiều so với vài chục năm về trước trong đó có văn minh học đường. Đơn cử như các hình thức trách phạt, cách đây vài chục năm trong nhà trường phổ thông thầy giáo có thể đét mông học trò đến rớm máu hay cô giáo có thể phạt bằng cách dùng thước kẻ đánh vào lòng bàn tay học sinh đến sưng đỏ… Nhưng ngày nay thì không, không thể tiếp tục tồn tại loại tư duy cùng với các hình thức trách phạt học sinh gây thương tích có thể dẫn đến thương tổn về tâm lí như thế.

“Sờ mông, sờ đùi” học sinh nữ là thể hiện sự yêu thương ư? E rằng đó chỉ là cách nghĩ hay sự lập luận, biện minh của một số người trong đó có những người đã có những hành vi như thế. Còn với đại đa số người trong xã hội, đó là hành vi không đứng đắn, vượt quá giới hạn đặc biệt là đối với một người thầy.

Những hành vi “bày tỏ yêu thương” mà khiến cho các em học sinh cảm thấy khó chịu hoặc e sợ, khiến cho các bậc phụ huynh và gia đình bức xúc, thì đó không thể xem là hành vi đúng mực được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn