MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ca sĩ Hòa Minzy. Ảnh: Facebook nhân vật.

Sơ sẩy của Hòa Minzy nối tiếp các vụ nhanh nhảu đoảng trong giới showbiz

Thế Lâm LDO | 30/07/2020 07:14
Nữ ca sĩ Hòa Minzy đã thừa nhận sự bất cẩn của mình khi lan truyền tin giả về phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Tất nhiên tin giả này là sai sự thật. Chính vì thế, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM ra quyết định xử phạt nữ ca sĩ 7,5 triệu đồng.

Sự bất cẩn, sơ sẩy của Hòa Minzy cũng chính là sự cả tin trước những thông tin lan truyền trên mạng mà chưa qua xác minh, kiểm chứng.

Thông tin trên mạng, cụ thể là mạng xã hội, đa phần là từ những người ẩn danh. Họ rất dễ lợi dụng tính chất này để tung ra những tin sai lệch, không đúng sự thật. Tai hại hơn, đó lại là những thông tin liên quan đến COVID-19 đầy nhạy cảm, lan truyền trên mạng xã hội vàng thau lẫn lộn. Không qua kiểm chứng mà cứ chia sẻ lại, vô hình chung gây ra những ảnh hưởng tiêu cực khó lường.

“Điểm chết” ở đây chính là những suy nghĩ được hình thành lâu nay ở không ít người: Thứ nhất là cho rằng mạng xã hội thông tin “nhanh hơn báo” mà không chú trọng tính chính xác, độ trung thực của thông tin trên mạng xã hội tới đâu, đi đến cả tin, và xem nó thay thế cho thông tin chính thống. Thứ hai là khi đã tin vào tin giả thì lại tiếp tay cho tin giả bằng cách chia sẻ lại trên trang cá nhân hoặc các nhóm kín cũng như công khai, gây ra hiệu ứng lan truyền rộng hơn cho tin giả tồn tại. Thứ ba là sự dễ dãi với thông tin trên mạng, cũng chính là sự dễ dãi trong văn hóa đọc thông tin thời nay của không ít người.

Nhưng với Hòa Minzy, câu chuyện còn khác hơn. Đó là cô ca sĩ trẻ này đã tiếp nối tính nhanh nhảu đoảng của các đàn anh đàn chị trong việc lan truyền, chia sẻ tin giả về COVID-19, vô hình chung tiếp tay cho loại thông tin này lan rộng.

Dạo tháng 2.2020, vào lúc cao điểm dịch COVID-19 tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, tin giả về dịch bệnh này bùng phát. Và trong hàng chục trường hợp cố ý hay vô tình lan truyền những tin giả đó tại Việt Nam có những cái tên Đàm Vĩnh Hưng, Cát Phượng, Ngô Thanh Vân. Cả 3 nghệ sĩ này nhận ra cái sai vì sự sốt ruột muốn mang thông tin cảnh báo về COVID-19 cho cộng đồng nhưng lại lan truyền cho thông tin không chính xác. Cuối cùng, mỗi người đã bị Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM xử phạt 10 triệu đồng.

Bài học từ 3 nghệ sĩ vẫn còn đó, là dù có động cơ tốt, nhưng nếu vì sự nhanh nhảu mà thiếu kiểm chứng thông tin trên mạng xã hội có đúng sự thật, có chính xác hay không đã vội lan truyền lại trên trang cá nhân hay fanpage của mình, thì có thể gây ra ảnh hưởng tiêu cực rộng hơn trong cộng đồng chứ không hề có lợi cho cộng đồng.

Nghệ sĩ hay người nổi tiếng, luôn có lượng fan lớn, vì thế những gì họ đưa lên trang cá nhân hay fanpage rất dễ thu hút fan theo dõi, thậm chí cả tin theo mà không biết rằng đó là tin giả, thông tin không chính xác.

Chính vì thế, những người nổi tiếng, người của công chúng càng phải có ý thức cân nhắc trong việc đưa thông tin gì lên mạng. Đầu tiên, thông tin đó phải được xem xét dưới góc độ là có đúng sự thật không, hoặc có chính xác không. Tiếp nữa là thông tin đó có lợi cho cộng đồng hay không trong bối cảnh, thời điểm hiện tại. Những gì người nổi tiếng viết ra và đăng công khai có tính chất “bút sa gà chết”, vì thế không thể cứ “hồn nhiên như cô tiên” được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn