MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sớm ban hành Luật về tư pháp người chưa thành niên

ThS Phạm Văn Chung LDO | 13/12/2021 12:30
Pháp luật về tư pháp người chưa thành niên dùng để chỉ tất cả các quá trình và thủ tục xử lý các hành vi vi phạm pháp luật (cả hành chính và hình sự) do những người dưới 18 tuổi thực hiện. 

Bao gồm nhiều giai đoạn từ phòng ngừa, ngăn chặn, giáo dục đến xử lý hành chính, xử lý hình sự và tái hoà nhập cộng đồng sau khi họ đã chấp hành đầy đủ hình phạt và các biện pháp giáo dục.

Người chưa thành niên vi phạm pháp luật bị xử lý được chia làm 2 độ tuổi phù hợp với sự phát triển về tính cách, tâm sinh lý, độ chín chắn, trưởng thành... Đó là độ tuổi từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi và từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi.

Về trách nhiệm hành chính, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) quy định người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính (VPHC) chỉ bị phạt cảnh cáo; người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi trở lên VPHC thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền với mức phạt không quá một phần hai mức phạt đối với người thành niên hoặc bị áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh.

Về trách nhiệm hình sự, theo BLHS năm 2015 thì người chưa thành niên đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng và việc miễn trách nhiệm hình sự đối với các em được thực hiện theo quy định chung.

Riêng người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi thì chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà BLHS có quy định khác như tuổi chịu trách nhiệm hình sự, chuẩn bị phạm tội, xóa án tích...

Luật XLVPHC, BLHS 2015 đã có những quy định rất tiến bộ về trình tự thủ tục xửu lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật.

Đặc biệt theo BLHS 2015 thì thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi như các quy định về hỏi cung bị can theo chuẩn mực quốc tế, bảo đảm thân thiện...

Tuy nhiên, các quy định về tư pháp người chưa thành niên vẫn chưa được cụ thể, chi tiết và toàn diện. Vì vậy, cần phải ban hành đạo luật riêng về tư pháp người chưa thành niên để điều chỉnh, quy định đối với người chưa thành nên vi phạm pháp luật.

Theo quan điểm người viết, cơ quan có thẩm quyền cần sớm tập hợp các quy định về tư pháp người chưa thành niên đang nằm rải rác ở các văn bản pháp luật khác nhau để xây dựng thành đạo luật riêng về tư pháp người chưa thành niên.

Trong đó, chú trọng việc rà soát., tập hợp các quy định về tư pháp người chưa thành niên tại Luật XLVPHC, BLHS năm 2015, các luật và văn bản hướng dẫn liên quan để tiếp tục sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện luật pháp, chính sách đối với đối tượng đặc biệt này.

Theo đó, cần theo hướng tăng cường xử lý chuyển hướng và tư pháp phục hồi đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật.

Cụ thể như tăng cường hoà giải, thỏa thuận giữa người bị hại và người vi phạm như là một biện pháp không chính thức để chuyển xử lý người chưa thành niên ra bên ngoài hệ thống xử lý VPHC; miễn trách nhiệm hình sự, chế tài không giam giữ cho người chưa thành niên và giao cho gia đình, cộng đồng giám sát và giảm thiểu sự kỳ thị đối với họ... nhằm phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế.

Điều này không những đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên mà còn phù hợp với các Công ước về quyền trẻ em mà Việt Nam đã phê chuẩn hoặc ký kết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn