MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân đến giao dịch tại một trụ sở UBND phường ở TP. Đồng Hới. Ảnh: Lê Phi Long

Sớm loại bỏ những cán bộ, công chức sách nhiễu, hành dân

LÊ PHI LONG LDO | 08/02/2023 08:40

Vẫn có 46/63 tỉnh để xảy ra tình trạng sách nhiễu, phiền hà trong thực hiện thủ tục, dịch vụ công; 22/63 địa phương có tình trạng cán bộ, công chức gợi ý nộp thêm tiền ngoài phí, lệ phí "bôi trơn"…

Thông tin trên được đưa ra tại phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.

“Bôi trơn” - một thuật ngữ không còn xa lạ khi nói đến việc thực hiện các thủ tục hành chính hiện nay tại Việt Nam. Thậm chí, nó còn là vấn đề nhức nhối và đang là rào cản, là gánh nặng đè lên doanh nghiệp, người dân khi đến giao dịch tại các cơ quan công quyền.

Nguyên nhân là do khi người dân và doanh nghiệp đến cơ quan công quyền thường gặp tình trạng “lòng vòng”, sách nhiễu, gây thêm thủ tục hành chính, và từ đó tạo nên "tham nhũng vặt", "bôi trơn".

Kết quả mới nhất về điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2021) được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, chi phí không chính thức (còn gọi là “phí bôi trơn”) vẫn tồn tại khá phổ biến trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước. Theo đó, tỉ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định "chi trả hoa hồng" là cần thiết để có cơ hội thắng thầu là 36,8%.

Và đây là một ví dụ: Theo điều tra ban đầu, liên quan vụ Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á trong đại án kit test COVID-19, đối tượng khai kiếm lãi khoảng 4.000 tỉ đồng và "bôi trơn" khoảng 800 tỉ đồng.

Những con số trên không hề nhỏ, và chắc rằng, thực tế sẽ còn lớn hơn nữa so với những số liệu trên. Qua đó cho thấy, phía sau những kết quả đạt được trong cải cách hành chính, dịch vụ công, thì vấn nạn “tham nhũng vặt”, “bôi trơn” đang gây bức xúc rất lớn cho người dân, doanh nghiệp.

Vấn nạn trên nếu không được xử lý sớm, xử lý dứt điểm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của người dân. Chính vì vậy, song song với giảm thiểu các thủ tục hành chính, minh bạch trong giải quyết thủ tục, tạo cơ chế thông thoáng, cần xử lý kiên quyết, loại khỏi bộ máy những cán bộ, công chức nhận tiền "bôi trơn", tham nhũng, sách nhiễu người dân.

Việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khẩn trương xây dựng, trình ban hành nghị định về khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, hoàn thành trong tháng 4.2023 đã tạo nên một kỳ vọng, rằng sẽ có được những cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, vì dân. Và quan trọng hơn, khi đó sẽ giảm thiểu được tối đa các con số gây nhức nhối như ở các báo cáo đã nêu.

Người dân luôn tin với quyết tâm của Đảng và cả hệ thống chính trị, những “con sâu” gây nên tình trạng trên sẽ bị loại bỏ. Đó là một sự kỳ vọng cho tương lai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn