MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quá trình vận hành của khu xử lý rác thải Sông Công (tỉnh Thái Nguyên) gây ô nhiễm môi trường kéo dài khiến người dân bức xúc.

Sống cạnh nhà máy đốt rác, người dân đêm ngày bất an

Nguyễn Tùng LDO | 26/10/2022 12:27
Thái Nguyên - Từ khi Khu xử lý rác thải Sông Công (xã Tân Quang, TP Sông Công) đi vào hoạt động cũng là lúc cuộc sống của cả trăm hộ dân bị đảo lộn bởi mùi hôi thối khét lẹt, bụi trong quá trình đốt rác gây ra. Những nguy cơ thường trực tới sức khoẻ chưa khi nào khiến người dân hết lo lắng.

Ô nhiễm kéo dài

Căn nhà của bà Phạm Thị Phượng (xóm Tân Mỹ 2) chỉ nằm cách khu xử lý rác thải Sông Công chưa đầy 30m, hơn ai hết bà Phượng là người thấy rõ nhất những ảnh hưởng mà nhà máy đốt rác này gây ra.

Theo bà Phượng, trước đây khu vực này chỉ tập kết rác thải sinh hoạt, cũng có mùi hôi nhưng còn đỡ. Khi nhà máy bắt đầu hoạt động từ năm 2018, rác thải công nghiệp được đốt suốt ngày đêm kèm mùi khét ngột ngạt, khói bụi rất khó chịu.

Khói bụi, mùi hôi thối bao trùm trước nhà bà Phượng. 

Chỉ về khoảng sân trước nhà, bà Phượng bức xúc: "Nhà máy đốt rác xả ra khói đen kịt, khét lẹt không thể thở nổi kèm bụi đen từ ống khói bay về rơi xuống. Nó giống như dầu mỡ xe ấy, bám dính trên đồ đạc, phải lau rửa nhiều lần mới sạch được".

Đã từng làm việc trong nhà máy nên ông Lê Văn Hồng (xóm Tân Mỹ) biết rõ nhất về những thứ được đốt tại đây. Theo ông Hồng, chúng là rác thải công nghiệp từ các nơi chuyển về. Có cả rác thải nguy hại như rác thải y tế, hoá chất".

"Tôi không rõ là nước hay hoá chất gì nhưng khi bị bắn vào da là gây bỏng rát, người ta dặn tôi phải rất cẩn thận. Có những loại bột thải chở về để xử lý mà không may gặp nước thì bốc cháy, mùi kinh khủng lắm. Ở đây họ đốt từ chai lọ, cặn sơn đến cả vỏ thuốc sâu" - ông Hồng nhớ lại.

Cột khói nghi ngút trong quá trình đốt rác của khu xử lý rác thải Sông Công ngày đêm bao trùm khu vực kéo theo nỗi lo lắng, nguy hại cho sức khoẻ của cả trăm hộ dân cứ thế lớn dần.

Trong suốt thời gian làm trong nhà máy, ông Hồng không nhận được bất kỳ khoản phụ cấp độc hại nào. Tuổi đã cao, thấy độc hại quá nên ông Hồng đã nghỉ việc được 2 tháng nay và cũng từ đó ông thấy sức khoẻ của mình tốt hơn.

Theo bà Dương Thị Sự - Trưởng xóm Tân Mỹ 2, khi xây dựng nhà máy có họp dân, nghe quy trình thì rất an toàn nhưng lúc đốt thì phát sinh nhiều vấn đề. Cả xóm Tân Mỹ 1 và 2 có hơn 200 hộ dân thì ai cũng kêu về mùi hôi thối, khét lẹt, bụi bặm.

Theo bà Sự, người dân ai cũng bức xúc, nói nhiều rồi nhưng giờ chắc chỉ biết sống chung với độc hại. 

Bà sự cho biết: "Cũng có những đoàn kiểm tra của thành phố về đấy, nhưng lúc kiểm tra thì không thấy họ đốt, mọi thứ được dọn dẹp sạch sẽ.

Sáng kiểm tra, chiều lại đốt lại xả khói, các chất thải khi vận chuyển bằng xe tải vương vãi dọc đường đi. Dân yêu cầu lập biên bản, nhà máy cho người dọn dẹp rồi lại tái diễn, họ cũng chỉ hứa thôi".

Không đủ thẩm quyền xử lý

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thế Anh - Chủ tịch UBND xã Tân Quang khẳng định, tình trạng ô nhiễm môi trường từ khu xử lý rác thải Sông Công là hoàn toàn chính xác, người dân nhiều lần phản ánh. Đến nay vẫn xảy ra từ ô nhiễm khói, bụi đến nước thải.

Vị này cho biết: "Có những hôm 23h, chính quyền xã cùng Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố phải vào nhà máy để làm việc. Cũng chỉ biết đến nay, đơn vị này đang phải hoàn thiện lại báo cáo đánh giá tác động môi trường".

Những chiếc xe chở rác thải nguy hại ra vào khu xứ lý rác thải Sông Công luôn là nỗi ám ảnh của người dân. 

Bà Dương Thị Hoa - Phó phòng Tài nguyên và Môi trường TP Sông Công cho biết, hiện khu xử lý rác thải Sông Công chưa có hệ thống quan trắc tự động về mùi nên việc kiểm tra đánh giá cũng chỉ bằng cảm quan.

"Việc xử lý chất thải tại đây về lâu dài cũng không đảm bảo do khối lượng rác ngày càng nhiều lên, hiện đang ít mà dân đã phản ánh nhiều. Trong khi khu xử lý rác này không thuộc thẩm quyền quản lý của cấp huyện, chúng tôi cũng chỉ biết phối hợp ghi nhận và làm báo cáo gửi cấp trên" - bà Hoa thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn