MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cơ sở sản xuất đầu lân của anh Nguyễn Hưng tại TP.Hội An. Ảnh: Hoàng Vinh

“Sống lại” nghề làm đầu lân thủ công ở phố Hội

HOÀNG VINH LDO | 15/09/2018 06:39
Gần đến dịp Trung Thu thì không khí tại các làng nghề chế tác sản phẩm đầu lân tại Hội An lại càng thêm nhộn nhịp để cung cấp các sản phẩm cho địa phương và nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Quan trọng nhất để hình thành một con lân đẹp là khâu vẽ. Ảnh: Hoàng Vinh
Anh Nguyễn Hưng đang trang trí lên đầu lân. Ảnh: Hoàng Vinh
Một đầu lân sau khi hoàn thiện. Ảnh: Hoàng Vinh

Những ngày này, cơ sở sản xuất đầu lân của anh Nguyễn Hưng (SN 1973, trú tổ 8, thôn Trảng Kèo, xã Cẩm Hà, TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam) nhộn nhịp hơn hẳn bởi không khí sản xuất và mua bán. Theo nghề gần 30 năm, sản phẩm đầu lân chủ yếu bán vào dịp Tết Trung thu nhưng cơ sở của gia đình anh Hưng làm đầu lân, mặt nạ và lồng đèn quanh năm. 

Mỗi con lân, mặt nạ đều làm hoàn toàn theo phương pháp thủ công nên mỗi sản phẩm đều chứa đựng cái hồn, vẻ đẹp khác nhau, tùy theo tâm trạng và cảm xúc của người làm. Điều quan trọng nhất để hình thành một con lân đẹp là khâu vẽ, sơn màu lên những chi tiết của con lân, mặt nạ. “Thần thái” của con lân nằm ở đôi mắt. Lân mạnh mẽ, lân hung dữ, lân hiền lành… đều thể hiện qua ánh mắt. Còn điểm nhấn của mặt nạ chính là nụ cười rộng rãi, phóng khoáng. Nhờ có năng khiếu vẽ hoa văn, chịu khó học hỏi, tìm tòi thay đổi mẫu mã nên sản phẩm đầu lân truyền thống của cơ sở anh Hưng luôn đắt khách.

Để hoàn thành một chiếc đầu lân thì tốn ít nhất khoảng 4 ngày. Và giá bán mỗi chiếc đầu lân nhỏ là từ 70.000 - 100.000 đồng/cái, đầu lân trung thì 250.000 - 400.000 đồng/cái, loại lớn giá từ 700.000 đến 900.000 đồng/cái. Có những đầu lân được đặt từ 5 triệu - 6,5 triệu đồng/cái. Còn giá mỗi chiếc mặt nạ và mặt nạ ông địa có giá từ 50.000 - 70.000 đồng/cái.

Tính trung bình, mỗi năm nhà anh sản xuất và bán được chừng 2.000 đầu lân nhỏ và khoảng 500 - 600 đầu lân lớn. Cùng khoảng 1.000 mặt nạ ông địa các loại, cung cấp cho bạn hàng khắp nơi từ Nam ra Bắc. Thế nên mỗi năm gia đình anh thu nhập khoảng hơn 200 triệu đồng từ nghề này. Chính vì vậy, nghề làm đầu lân trở thành nguồn thu nhập chính cho gia đình.

Để làm được sản phẩm đầu lân, ngay từ sau Tết Nguyên đán, anh đi mua tre và thuê nhân công làm khuôn, vót tre, chuẩn bị dụng cụ để làm. Đối với đầu lân nhỏ thì để hoàn thiện được nó cần có 3 công đoạn. Đầu tiên là đắp cốt, sau đó đợi khô rồi gỡ, đến công đoạn dán và sơn hoàn thiện. Còn với đầu lân lớn thì công đoạn hoàn thiện nó dài hơn, đầu tiên là làm vành, tiếp đến là đan mây, dán vải sau đó vẽ và dán lông.

Những năm gần đây, nghề làm đầu lân có phần phai nhạt, anh Hưng đã hình thành mô hình du lịch cộng đồng đối với cơ sở đầu lân. Hằng tuần, cơ sở của anh đón những đoàn du khách nước ngoài đến tham quan và trải nghiệm với công việc làm đầu lân, vẽ mặt nạ và làm đèn lồng, qua đó góp phần phát triển du lịch địa phương cũng như quảng bá được các sản phẩm của mình với bạn bè thế giới.

Đối với anh Hưng, giờ đây, nghề làm đầu lân ngoài thu nhập thì đây chính là niềm đam mê để gắn bó với nghề. Đam mê đó được chuyển hóa thành những công đoạn, những nét vẽ trên những chiếc đầu lân, qua đó đem lại niềm vui cho trẻ em vào dịp Trung thu và gợi nhớ nhiều kỷ niệm thời thơ ấu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn