MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Thanh Liêm - một hộ nuôi cá bè có thâm niên trên 20 năm trên sông La Ngà, huyện Định Quán - lưu giữ mẫu nước trên sông La Ngà vì ô nhiễm. Ảnh: P.V

Sông suối ô nhiễm đe dọa cuộc sống người dân

HÀ ANH CHIẾN LDO | 26/10/2019 07:15

Cuối tháng 9.2019, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai đã công bố kết quả quan trắc chất lượng nguồn nước mới nhất tại tỉnh Đồng Nai, cho thấy, hàng loạt sông, suối trên địa bàn tỉnh đang bị ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp tới mưu sinh của những người dân sinh sống bằng nghề nuôi trồng, đánh bắt cá trên sông, đe dọa cả nguồn nước mặt dùng trong sinh hoạt.

Nước ô nhiễm, người dân vẫn phải nuôi cá bè

Ông Nguyễn Thanh Liêm nuôi cá bè đã hơn 20 năm trên sông La Ngà (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai); con cá bè là “kế mưu sinh” duy nhất của gia đình ông. Vài năm gần đây, cuộc sống của gia đình ông trở nên khó khăn hơn vì nước sông bị ô nhiễm. “Khoảng 4-5 năm trở về trước, tôi nuôi cá bè rất khỏe. Chỉ việc đổ cá giống xuống rồi chờ thu hoạch mà không sợ cá bị chết. Sau mỗi đợt thu hoạch lời hàng trăm triệu, mua vàng cho vợ mua xe cho con cái. Nhưng vài năm gần đây thì tình trạng cá chết hàng loạt diễn ra liên tục, những loài cá rất mạnh như cá lăng bây giờ cũng không chịu nổi” - ông Liêm cho biết.

Theo ông Liêm, năm 2018 và năm 2019 là hai năm cá chết nhiều nhất trong lịch sử ở làng bè này - hiện tượng trước đây chưa từng xảy ra. Ông Liêm đã tự lấy mẫu nước mang lên TP.Hồ Chí Minh để xét nghiệm và kết quả đúng là ô nhiễm. Dù vậy, gia đình ông Liêm và những người dân làng cá bè La Ngà vẫn bám trụ với nghề nuôi cá vì đó là nghề duy nhất nuôi sống gia đình họ.

Gia đình ông Quẹo Anh, có tới 4 người con, sau đợt cá chết hàng loạt ông lại phải vay mượn tiền để thả cá giống mới. Ngoài ra, hằng đêm ông Quẹo Anh chạy ghe ra lòng hồ Trị An đánh cá, lựa phần cá lớn, tép bán lấy tiền nuôi gia đình, phần cá nhỏ dùng làm mồi nuôi cá bè.

Theo kết quả quan trắc, chất lượng nước mặt tại khu vực hai làng nuôi cá bè trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong tháng 8.2019 cũng đang bị ô nhiễm nặng. Tại khu vực làng cá bè trên sông Cái, TP.Biên Hòa, nước luôn trong tình trạng bị ô nhiễm, nhiều thông số môi trường nước không đạt chuẩn.

Tại khu vực làng cá bè La Ngà, huyện Định Quán, chất lượng nước mặt có cải thiện hơn so với đợt quan trắc vào tháng 7.2019 nhưng tại một số vị trí, nước vẫn ô nhiễm do hàm lượng hữu cơ, dinh dưỡng vượt chuẩn.

Nguồn nước sinh hoạt cũng bị đe dọa

Không chỉ sông Đồng Nai, hiện nay, hàng loạt sông, suối trên địa bàn tỉnh cũng đang bị ô nhiễm. Suối Đaklua (huyện Tân Phú); các sông, suối trên địa bàn huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu thuộc lưu vực sông Thao và các sông, suối thuộc lưu vực sông Thị Vải chất lượng nước mặt đều không đạt mục đích cấp nước sinh hoạt do các chất dinh dưỡng, hữu cơ và vi sinh tăng cao.

Đặc biệt, khu vực các sông, suối trên địa bàn TP.Biên Hòa và các huyện Thống Nhất, Trảng Bom, Long Thành thuộc lưu vực sông Buông, chất lượng nước mặt luôn ở tình trạng ô nhiễm nặng.

Điều này làm gia tăng nguy cơ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Bởi sông Đồng Nai hiện là nguồn cung cấp nước thô chính phục vụ xử lý thành nước sinh hoạt cung cấp cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Theo Công ty cấp nước Đồng Nai, hiện nay, sản lượng nước sinh hoạt của công ty cung cấp cho khách hàng đạt gần 370.000m3/ngày đêm, trong số này, có 350.000m3 được xử lý từ nguồn nước mặt, chiếm 95% tổng sản lượng, cung cấp cho hơn 222.000 hộ khách hàng. Nguồn nước mặt để xử lý thành nước sinh hoạt được lấy từ sông Đồng Nai tại các vị trí cấp nước của Nhà máy nước Thiện Tân và Nhà máy nước Biên Hòa. Ngoài ra, Trạm bơm Hóa An cũng lấy khoảng 15.000m3/ngày đêm nước mặt sông Đồng Nai để xử lý thành nước sinh hoạt.

Ông Võ Thành Phương - Trưởng phòng Quản lý chất lượng nước - Công ty Cấp nước Đồng Nai - cho biết, chất lượng nguồn nước có nhiều chỉ số ô nhiễm vượt quá quy chuẩn cho phép. Ô nhiễm nặng nhất là khu vực TP.Biên Hòa do có dân cư đông, hệ thống xử lý nước thải cũng xả thẳng xuống sông Đồng Nai. Do đó, công ty đã phải “tự cứu” bằng cách đầu tư thêm một số công nghệ xử lý nước tiên tiến nên chất lượng nước sinh hoạt sau xử lý vẫn bảo đảm theo quy chuẩn để cung cấp cho người dân sử dụng.

Theo ông Đặng Minh Đức - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai - căn cứ kết quả quan trắc chất lượng nước sông Đồng Nai, sở này đã đề nghị Công ty TNHH một thành viên cấp nước Đồng Nai tăng cường kiểm soát chất lượng nước mặt trước và sau khi xử lý để đảm bảo chất lượng nước cấp đạt quy chuẩn cho người dân sử dụng. Trong đó, lưu ý kiểm soát chất lượng nước mặt trước khi vào Nhà máy Nước Thiện Tân, Trạm bơm nước Hóa An và Nhà máy nước Biên Hòa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn