MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sốt ruột đợi ngày nhận lương hưu

LƯƠNG HẠNH LDO | 12/03/2023 11:53
Trước đề xuất tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) từ 15 năm trở lên sẽ có thể được nhận lương hưu thay vì mức tối thiểu 20 năm như luật hiện hành, nhiều người lao động bày tỏ hy vọng được giảm tuổi nghỉ hưu thay vì giảm số năm đóng BHXH tối thiểu.

Hy vọng được giảm tuổi nghỉ hưu

Mới đây, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã có tờ trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi trình Chính phủ. Điểm đáng lưu ý nhất là đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu từ 20 xuống 15 năm.

Trong tờ trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) ngày 1.3, Bộ LĐTBXH nhận định giảm năm đóng tạo điều kiện cho lao động tham gia hệ thống muộn hoặc đóng không liên tục, đóng thời gian ngắn vẫn được hưởng lương hưu. Bộ đề xuất lao động thôi việc và đóng đủ 15 năm BHXH trở lên thì được hưởng lương hưu.

Luật hiện hành quy định người lao động đủ tuổi nghỉ hưu trong điều kiện làm việc bình thường, đóng đủ 20 năm BHXH trở lên được hưởng lương hưu. Mức hưởng bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng.

“Đó là một giải pháp tốt cho những người đóng BHXH muộn và có nhiều bất cập với những người đóng BHXH sớm. Tôi đã tính được phần nào mức lương hưu mình sẽ được nhận. Nếu tiếp tục tăng số tuổi nghỉ hưu lên thì đến thời điểm nhận được lương hưu tôi vẫn cảm thấy rất mông lung” – anh Hà Văn Tình – nam công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) cho biết.

14 năm gắn bó với một doanh nghiệp tại khu công nghiệp này, anh Tình cảm thấy may mắn khi không bị giảm việc trong năm qua.

Công việc đều đặn, anh Tình nhận mức lương khoảng 10-12 triệu đồng/tháng. Với số tiền này, anh dành dụm để gửi về quê cho gia đình chi tiêu và chỉ để một khoản ít ỏi cho bản thân để trang trải chi phí ăn uống, trả tiền thuê nhà trọ hàng tháng.

Anh Tình đã có 14 năm làm việc tại KCN Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Hạnh Thư.

Trước kia, anh Tình cũng làm công việc tự do tại quê nhà. Để có thu nhập cao hơn, anh Tình đã phải đánh đổi bằng việc đi làm xa vợ con. Nhiều khi cũng nhớ gia đình, nhưng không còn cách nào khác, công nhân này phải cố gắng vượt qua, có thu nhập tốt chăm lo cho gia đình, nuôi nấng con gái trưởng thành.

"Ngoài làm việc trong nhà máy, tôi cũng chạy thêm xe ôm công nghệ để kiếm thêm thu nhập. Chứ nếu chỉ làm công nhân sẽ không có nhiều tích lũy, lo cho gia đình được" - anh Tình chia sẻ.

Khi được hỏi về chính sách BHXH mới, anh Tình cho hay sẽ sớm rút BHXH một lần nếu không tiếp tục còn làm công nhân tại đây. Theo nam công nhân, rất khó để anh có thể mua được một căn nhà tại Hà Nội. Khoản tiền từ việc rút BHXH 1 lần sẽ giúp anh có vốn để kinh doanh, buôn bán ở quê.

Sợ phụ thuộc con cái

“Không có lương hưu sẽ phải phụ thuộc vào con cái cũng bấp bênh. Thế nhưng, theo dự thảo về BHXH hiện nay và nhiều vấn đề bất cập xung quanh thì tôi cảm thấy rất bất an" - anh Văn Thanh - Công nhân KCN Thăng Long bày tỏ.

 Anh Thanh hy vọng được giảm tuổi nghỉ hưu thay vì giảm số năm đóng BHXH. Ảnh: Lương Hạnh.

Anh Thanh cũng hy vọng được giảm tuổi nghỉ hưu thay vì giảm số năm đóng BHXH tối thiểu. Theo anh Thanh, khi đến 50 tuổi, anh và đa số công nhân sẽ không thể tìm được việc tại các công ty trong khu công nghiệp. 

"Ví dụ đến tuổi nghỉ hưu mà tôi chỉ mới làm việc được 10 năm tại công ty thì tôi phải tiếp tục đóng BHXH thêm 5 năm hoặc 10 năm nữa để được nghỉ hưu. Mong muốn lớn nhất của tôi là được giảm tuổi nghỉ hưu" - nam công nhân bày tỏ. 

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hết năm 2022, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 17,5 triệu người (trên 38% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động). 

Giai đoạn 2016 - 2021, cả nước có hơn 4 triệu người đề nghị và hưởng BHXH một lần. Tính ra, trung bình 700.000 người rút bảo hiểm một lần/năm. Số lượng năm sau cao hơn năm trước bình quân khoảng 11,6%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn