MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một lái xe ghép tuyến Hà Nội - Thái Nguyên vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại . Ảnh: Minh Hạnh

Sử dụng điện thoại khi lái xe có thể bị xử lý hình sự

Minh Hạnh LDO | 28/01/2024 06:19

Điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng điện thoại di động là vi phạm Luật An toàn Giao thông Đường bộ và cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tai nạn giao thông.

Chế tài xử phạt chưa cao

Việc ra đời của điện thoại smartphone nhiều các ứng dụng đã mang lại rất nhiều tiện ích. Cũng vì thế, theo quan sát, khi tham gia giao thông có rất nhiều người vừa điều khiển xe máy, ôtô, xe điện... vừa sử dụng điện thoại di động (nhất là các lái xe công nghệ, giao hàng).

Theo anh Nguyễn Xuân Thái, lái xe ghép tuyến Hà Nội - Thái Nguyên, cho rằng, hiện chức năng dẫn đường trên điện thoại rất hữu ích nhưng nhiều tài xế vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại rất nguy hiểm.

Các chuyên gia giao thông cho rằng, sử dụng điện thoại di động trong quá trình lái xe ôtô là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến các vụ tai nạn giao thông. Người ngồi sau vô lăng thường không chú ý đến tốc độ và các rào cản, gây ra nguy hiểm cho chính mình và cả người khác vì người điều khiển phương tiện sử dụng điện thoại dễ bị phân tán sự tập trung. Ngoài ra, còn kéo theo các lỗi như chuyển hướng không báo hiệu, qua đường thiếu quan sát, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông hay hiệu lệnh của cảnh sát giao thông.

Vừa lái xe vừa nhắn tin cho khách. Ảnh: Minh Hạnh

Theo ông Phạm Việt Công - Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, một trong những nguyên nhân gây nên "vấn nạn" sử dụng điện thoại khi lái xư là ý thức chấp hành của người tham gia giao thông chưa tốt. Cùng với đó, công tác xử phạt và các quy định về xử phạt chưa tạo được tính răn đe và công tác tuyên truyền phổ biến chưa được mạnh mẽ.

Có thể bị xử lý hình sự

Theo luật sư Nguyễn Thanh Tú (Công ty Luật TNHH Việt Kim, Đoàn Luật sư Hà Nội), tại Khoản 23 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về các hành vi vi phạm nghiêm trọng khi tham gia giao thông. Trong đó, hành vi vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại là hành vi mang lỗi cố ý trực tiếp.

Theo Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi dùng tay để sử dụng điện thoại di động khi đang lái xe sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Việc dùng tay để sử dụng điện thoại di động khi lái xe trên đường sẽ bị xử phạt mức tiền từ 1 đến 2 triệu đồng.

Căn cứ Điểm h Điều 6 Nghị định 100/2019, việc xử phạt người điều khiển xe môtô, xe gắn máy (bao gồm cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ được thực hiện như sau: Người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm còn chịu các hình thức xử phạt bổ sung như bị tước Giấy phép lái xe trong khoảng thời gian từ 1 đến 3 tháng.

Căn cứ Điều 260 của BLHS 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ thì trường hợp vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ và gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người với ti lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của hai người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, sẽ bị áp dụng hình phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ từ 1 năm đến 3 năm.

Vi phạm dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời, sẽ bị áp dụng hình phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ từ 3 tháng đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn