MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bốn xe ô tô bị phát hiện sử dụng tem đăng kiểm và tem nộp phí sử dụng đường bộ giả. Ảnh: Công an Sóc Sơn

Sử dụng tem đăng kiểm giả có thể bị phạt tù đến 7 năm

Minh Hạnh LDO | 03/03/2023 07:12

Công an huyện Sóc Sơn, Hà Nội vừa khởi tố vụ án mua bán tem đăng kiểm giả trên mạng xã hội. Đây là hành vi giả mạo giấy tờ của cơ quan Nhà nước và gây nguy hại đến an toàn giao thông.

Ngày 7.2.2023, Công an huyện Sóc Sơn phát hiện 4 xe ôtô chở khách lưu thông từ xã Bắc Phú đi xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn, có dấu hiệu sử dụng tem đăng kiểm và tem nộp phí sử dụng đường bộ giả. Sau khi xác minh, cơ quan Cảnh sát điều tra xác định, cả 4 xe ô tô đều sử dụng tem đăng kiểm và tem nộp phí sử dụng đường bộ giả.

Tại cơ quan công an, các đối tượng Nguyễn Quốc Hoàng, Bùi Quốc Thành, Nguyễn Quý Hiếu khai nhận, do xe đã hết niên hạn sử dụng, không đủ điều kiện đăng kiểm. Để đối phó với sự kiểm tra của lực lượng chức năng, các đối tượng đã mua trên mạng xã hội với giá từ 500.000 - 600.000 đồng/bộ tem đăng kiểm, tem nộp phí sử dụng đường bộ giả để dán trên xe ôtô.

Căn cứ tài liệu thu thập, Công an huyện Sóc Sơn đã làm rõ hành vi giả mạo giấy tờ cơ quan nhà nước của các đối tượng. Vụ việc đang tiếp tục điều tra mở rộng.

Theo theo luật sự Dương Văn Mai (Đoàn Luật sư Hà Nội), tem kiểm định cấp cho xe phải cùng một số seri, được in từ Chương trình Quản lý kiểm định trên phôi do Cục Đăng kiểm Việt Nam thống nhất phát hành, có nội dung phù hợp với Hồ sơ phương tiện và dữ liệu trên Chương trình Quản lý kiểm định.

Do đó, các đối tượng đã làm giả tem kiểm định của Cục Đăng kiểm Việt Nam nhằm thu lợi bất chính từ việc bán tem kiểm định giả. Hành vi này đã xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước.

Việc các đối tượng tự ý in tem kiểm định, tem đăng kiểm đã thể hiện hành vi “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Còn việc các cá nhân sử dụng các tem kiểm định, tem đăng kiểm đó đã có hành vi “sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Hành vi của những người này có dấu hiệu của tội làm giả con dấu, tài lệu của cơ quan, tổ chức; tổ chức sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự. Theo đó hình phạt dành cho những người này có thể phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng (Khoản 1) hoặc phạt tù với hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù (Khoản 3) khi phạm tội và thuộc các trường hợp sau: a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên”.

Việc làm giả; sử dụng tem mác giả không chỉ làm ảnh hưởng tới uy tín của các cơ quan tổ chức mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới sự an toàn của các phương tiện được gắn tem mác và ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng, sức khỏe của những người ngồi trên các phương tiện đó.

Để ngăn chặn, hạn chế các tình trạng này thì cần phải có các biện pháp kết hợp giáo dục như tuyên truyền để đông đảo để mọi công dân hiểu rõ quyền, nghĩa vụ của mình trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về đăng kiểm, cũng như cơ quan, tổ chức được thực hiện chức năng kiểm định ý thức được trách nhiệm quản lý, sử dụng các tem, mẫu tem kiểm định…

Ngoài việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng nói chung và những cá nhân, tổ chức trực tiếp quản lý sử dụng các loại tem mác nói chung và tem kiểm định nói riêng thì cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc in ấn, phát hành các loại tem này. Đồng thời với đó có thể nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật in ấn tem mác nâng cao tính bảo mật và hạn chế khả năng bị làm giả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn