MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bị cáo Nguyễn Thị Thu Loan trong phần tự bào chữa tại tòa hôm 15.5. Ảnh: P.Du.

Sự thật nào về việc giáo viên “chấm thi, bị tù”?

Thế Lâm LDO | 17/05/2020 15:30
Trong phiên tòa xét xử sơ thẩm 15 bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi THPT năm 2018 tại tỉnh Hòa Bình, bị cáo Nguyễn Thị Thu Loan (41 tuổi, giáo viên trường THPT Lạc Long Quân, TP.Hòa Bình) nói trong nghẹn ngào: “Nếu biết đi chấm thi mà bị tù, tôi đã bỏ nghề”. Câu nói này, có thể đã khiến cho không ít người cảm thấy xót xa.

Xót xa vì ở thân phận của bị cáo Loan, vốn là tổ trưởng chấm thi, trên đe dưới búa, nhận được mẫu giấy ghi lời nhắn của cấp trên yêu cầu nâng điểm cho một số bài thi, khó có thể không thực hiện hoặc chống chế. Trường hợp như vậy, coi như chấp nhận sống “gù lưng” để bảo vệ công ăn việc làm.

Nhưng xót xa và cảm thông cho bị cáo Loan và một số trường hợp khác tương tự, không có nghĩa là chúng ta công nhận có một sự thật là “chấm thi, bị tù”.

Thậm chí ngược lại, lời nói của bị cáo Loan chỉ là phát ngôn mang tính cá nhân. Trên thực tế, không có sự thật nào là “chấm thi, bị tù” cả!

Sự thật là, trong kì thi THPT năm 2018, trên cả nước có hàng chục ngàn giáo viên chấm thi, nhưng chỉ có một số lượng nhỏ giáo viên bị dính các vụ án nâng điểm, gian lận điểm thi bị khởi tố, truy tố và phải ra đứng trước vành móng ngựa, trong đó có bị cáo Loan.

Sự thật là, hàng chục ngàn giáo viên chấm thi, trong đó đại đa số đã chọn cách sống “thẳng lưng”, không nâng điểm và gian lận điểm thi vì nhìn thấy đó là hành vi vi phạm pháp luật, trái với đạo đức và lương tâm của nghề giáo, không chấp nhận sống “gù lưng”.

Sự thật là ở cách sống, việc làm và hành vi. Hành vi của bị cáo Loan, dù có thể thông cảm là bị “trên đe dưới búa”, nhưng rõ ràng cũng cho thấy bị cáo sẵn sàng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật để bảo vệ những lợi ích khác cho cá nhân mình. Bị cáo đã không dám từ chối những chỉ đạo vi phạm pháp luật từ cấp trên, và chấp nhận sống “gù lưng” theo sự sai phạm đó. Hậu quả là, đứng trước vành móng ngựa, bị cáo mất tất cả, từ công ăn việc làm cho đến danh dự.

“Tiên trách kỉ, hậu trách nhân”. Các giáo viên sai phạm trong vụ án gian lận điểm thi tại Hòa Bình trước hết phải tự trách mình, trách bản thân không đủ bản lĩnh, sự vững vàng để khước từ cái xấu. Thậm chí, các bị cáo đã không đủ dũng cảm tố cáo cái xấu trước pháp luật và dư luận, ngược lại còn thực thi theo cái xấu. Đó là một chọn lựa, nhưng là sự chọn lựa sai lầm, cho nên các bị cáo phải chịu trách nhiệm với sự chọn lựa của mình.

Trên thực tế, đã có không ít trường hợp nhà giáo đã dám sống “thẳng lưng”, từng lên tiếng vạch ra những cái sai trong thi cử cho dù biết trước sẽ gặp một số dư luận phản ứng, xúc phạm, thậm chí đe dọa…

Xin đừng hiểu lầm giáo viên “chấm thị, bị tù”. Chỉ có những giáo viên không chịu “thẳng lưng”, chấp nhận “gù lưng” trong chấm thi mới nhận lãnh hậu quả.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn