MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Hà Anh

Sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội để đảm bảo quyền lợi chủ hộ kinh doanh cá thể

Hà Anh LDO | 05/06/2023 17:23

Chiều ngày 5.6, liên quan đến việc các chủ hộ kinh doanh cá thể đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng chưa được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, ông Nguyễn Thế Mạnh - Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định: Có đóng thì có hưởng.

Chiều 5.6, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức phiên họp cung cấp thông tin định kỳ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp quý II/2023.

Lý giải về việc trong thời gian qua, nhiều địa phương đã thu bảo hiểm xã hội bắt buộc với chủ hộ kinh doanh cá thể, trong khi đó theo quy định của pháp luật họ không phải là đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng Ban Chính sách thực hiện bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, thời điểm đó, không có quy định nào của pháp luật bảo hiểm xã hội cho rằng họ không được đóng bảo hiểm. Hơn nữa, chủ hộ kinh doanh cá thể có mong muốn chính đáng được tham gia vào lưới an sinh xã hội. Chủ hộ kinh doanh cũng là người lao động, làm việc như những lao động thuê mướn.

Theo ông Thọ, họ đã đóng bảo hiểm xã hội, cho nên cần thiết bảo vệ quyền lợi chính đáng trên nguyên tắc đóng hưởng.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết: "Đã phê bình nghiêm khắc các Giám đốc Bảo hiểm xã hội địa phương thu bảo hiểm xã hội bắt buộc với nhóm lao động này. Cực chẳng đã phải phê bình các giám đốc của mình".

Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết thêm, ngành đang đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội nhằm thu hút các thành phần tham gia bảo hiểm xã hội và đảm bảo quyền lợi của các chủ hộ kinh doanh cá thể đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

“Trước đây chưa có quy định cụ thể về việc chủ hộ kinh doanh cá thể tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi đủ điều kiện thì sẽ được nhận chế độ bảo hiểm xã hội, thì bây giờ sẽ đưa vấn đề trên vào quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người dân và đảm bảo nguyên tắc “có đóng - có hưởng” - ông Nguyễn Thế Mạnh cho hay.

Nhiều chủ hộ kinh doanh cá thể tại tỉnh Tuyên Quang đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng khi đủ điều kiện thì chưa được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Ảnh: Nguyễn Tùng 

Như Báo Lao Động đã thông tin, từ năm 2003 đến năm 2021, tại nhiều địa phương có tình trạng thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh nhưng đến nay họ chưa được tính thời gian để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Theo quy định hiện hành, chủ hộ kinh doanh cá thể không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tuy nhiên, từ tháng 1.2003 tới tháng 12.2021, cơ quan bảo hiểm xã hội nhiều địa phương đã thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với những trường hợp này.

Theo số liệu của bảo hiểm xã hội Việt Nam, tại thời điểm tháng 9.2016 đã có 4.240 chủ hộ kinh doanh cá thể tại 54 địa phương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Do việc thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc không đúng quy định của pháp luật nên các chủ hộ kinh doanh cá thể chưa được tính thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, đặc biệt có nhiều trường hợp đã đóng bảo hiểm xã hội được gần 20 năm. 

Đây là vấn đề gây bức xúc và cần được tháo gỡ trong quá trình sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội. 

Vì vậy, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang đề xuất hướng tháo gỡ nhằm thu hút các thành phần tham gia bảo hiểm xã hội, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia được hưởng chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.

Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Tôi cho rằng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi lần này mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho cả chủ hộ kinh doanh cá thể là quy định rất phù hợp với quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, phù hợp thực tiễn nhu cầu hiện nay trong thực hiện chính sách an sinh xã hội. Trong lúc chúng tôi tiếp xúc thì thấy nhiều người mong muốn tham gia bảo hiểm bắt buộc để được hưởng đầy đủ chế độ bảo hiểm xã hội khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động... Vì vậy tôi cho rằng việc Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi lần này mở rộng thêm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là chủ hộ kinh doanh cá thể, là một chủ trương, giải pháp đúng đắn, phù hợp thông lệ quốc tế, vừa phù hợp quan điểm, chỉ đạo của Đảng, nhu cầu thực tiễn hiện nay của chủ hộ kinh doanh cá thể.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn