MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phía dưới chân núi Dìn Phàng (huyện Si Ma Cai, Lào Cai) bị nứt toác là hàng chục hộ dân đang sinh sống. Ảnh: Đinh Đại

Sườn đồi nứt toác, người dân thị trấn nơm nớp lo sạt lở

Đinh Đại LDO | 19/08/2024 07:00

Lào Cai - Hàng chục hộ dân ở thị trấn Si Ma Cai sống dưới chân núi Dìn Phàng luôn bất an khi sườn đồi bị nứt toác, có thể sạt lở bất cứ lúc nào.

Người dân nơm nớp lo sạt lở

Những ngày giữa tháng 8.2024, có mặt tại khu vực có nguy cơ sạt lở của 2 tổ dân phố Dìn Phàng và Phố Thầu, thị trấn Si Ma Cai (huyện Si Ma Cai, Lào Cai), PV Báo Lao Động ghi nhận lượng lớn đất đá đã sạt xuống sát nhà các hộ dân.

Phía dưới chân đồi, bất chấp nguy hiểm, cuộc sống sinh hoạt của người dân vẫn diễn ra bình thường.

Bằng mắt thường có thể dễ dàng quan sát, trên đỉnh đồi, phía sau những ngôi nhà, những vết nứt lớn dọc theo bờ taluy với chiều dài khoảng 200m.

Đất đá sạt lở, hệ thống thoát nước bê tông cũng hư hỏng. Ảnh: Đinh Đại

Hệ thống rãnh thoát nước bằng bê tông bị đứt gãy thành nhiều đoạn do đất đá sạt trượt. Điều này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ sạt lở mà còn có thể đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân phía dưới.

Ông Lương Văn Tú (tổ dân phố Dìn Phàng) - một trong những hộ dân sống ở khu vực có nguy cơ sạt lở cho biết: "Tình trạng này xảy ra cũng lâu rồi, khoảng gần chục năm. Lúc trước đồi chỉ sạt lở một chút và đất đá chảy ra đường.

Nhưng đến nay, nguyên mảng đồi lớn với hàng trăm m3 đất đá nứt ra nên nguy cơ sạt lở vô cùng cao. Chúng tôi biết là nguy hiểm, cũng rất lo lắng, nhưng sống ở đây nhiều năm rồi nên khắc phục tạm thời để sinh sống”.

Theo ông Tú, để đảm bảo an toàn và tránh rủi ro, những hộ dân ở đây tự bảo nhau bỏ tiền ra xây kè phía sau nhà để chống sạt lở. Tuy nhiên nếu trời mưa to, khối lượng đất đá lớn luôn chực chờ sạt xuống hàng chục hộ dân ở phía dưới.

Đất đá cùng bùn đất sạt lở tràn xuống lòng đường gây bẩn, khiến việc đi lại của người dân trở nên khó khăn. Ảnh: Đinh Đại

Tương tự, ông Nguyễn Văn Thắng (một hộ dân dưới chân núi Dìn Phàng) chia sẻ: “Người dân như chúng tôi cũng rất hoang mang nhưng không biết làm thế nào. Buổi tối nếu trời mưa thì không dám ngủ vì sợ đất sạt lở, trôi xuống vào nhà”.

Qua tìm hiểu, nguy cơ sạt lở tại núi Dìn Phàng có thể ảnh hưởng đến khoảng 40 hộ dân thuộc tổ dân phố Dìn Phàng và Phố Thầu, thị trấn Si Ma Cai.

Chưa thể xử lý vì thiếu vốn

Chiều 18.8, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Lý Seo Tráng - Chủ tịch UBND thị trấn Si Ma Cai - cho biết: “Chính quyền địa phương đã đi khảo sát báo cáo lên cấp trên, huyện cũng đã báo cáo lên tỉnh để xin ý kiến xử lý điểm sạt lở. Nhưng đến thời điểm hiện tại địa phương vẫn đang chờ thông báo từ phía trên".

Những vết nứt toác ở chân núi Dìn Phàng khiến nhiều hộ dân ở thị trấn Si Ma Cai mất ăn mất ngủ vì lo sạt lở. Ảnh: Đinh Đại

"Đến nay, điểm sạt lở nói trên tại tổ dân phố Dìn Phàng và Phố Thầu đã xảy ra lần thứ 4. Năm 2021, khi có kinh phí, chính quyền cũng tuyên truyền để làm kè nhưng người dân không đồng ý vì cho rằng đất thu hồi quá nhiều.

Chúng tôi đang xin ý kiến cấp trên để xử lý. Khi được bố trí kinh phí, thị trấn sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu, đồng thuận với chủ trương nhằm đảm bảo an toàn cho các hộ dân sống phía dưới núi Dìn Phàng", Chủ tịch UBND thị trấn Si Ma Cai thông tin.

Một số người dân tự bỏ tiền xây kè phía sau nhà có nguy cơ sạt lở để hạn chế rủi ro. Ảnh: Đinh Đại

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai cho hay: "Điểm sạt lở này có từ lâu rồi nhưng đến nay vẫn chưa thể khắc phục. Cái khó là huyện chưa có kinh phí và chưa có quỹ đất để bố trí tái định cư cho 40 hộ dân nên chúng tôi đang đề xuất lên phía Trung ương hỗ trợ vốn".

"Phương án hiện tại là xử lý đất đá sạt lở phía sau nhà các hộ dân. Còn việc bố trí tái định cư là không khả thi", ông Kiên nói thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn