MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Diễn tập phòng cháy, chữa cháy. Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Công an

Tái diễn việc giả danh công an để bán tài liệu phòng cháy chữa cháy

Minh Hạnh LDO | 17/03/2024 11:32

Thời gian gần đây, không ít đối tượng tự xưng là cán bộ phòng cháy, chữa cháy (PCCC) điện thoại cho người dân thông báo sắp có đợt kiểm tra và yêu cầu phải làm thủ tục giấy tờ, mua tài liệu về PCCC và cứu hộ, cứu nạn (CNCH)… Đây là thủ đoạn lừa đảo không mới nhưng nhiều người đã bị “mắc bẫy”.

Theo phản ánh, thời gian gần đây, một số người đã tự xưng là cán bộ phòng cháy, chữa cháy (PCCC) gọi điện đến các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ hướng để dẫn các thủ tục liên quan đến công tác PCCC.

Ngày 31.1 vừa qua, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Tây Hồ đã nhận được khiếu nại của ông N.T.C (trú tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ). Theo ông C, một người điện thoại cho ông xưng là cán bộ PCCC Công an quận Tây Hồ cho biết sẽ đến nhà hướng dẫn các thủ tục liên quan đến công tác PCCC.

Sau đó, người này thông báo đang xây dựng kế hoạch kiểm tra và mở lớp tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC&CNCH và đề nghị ông C mua sách, tài liệu để bổ sung vào hồ sơ quản lý PCCC&CNCH với giá 490.000 đồng.

Để người dân tin, đối tượng cho biết sắp có đợt kiểm tra, tập huấn nghiệp vụ PCCC, yêu cầu chủ cơ sở phải làm thủ tục giấy tờ, mua sách, tài liệu về PCCC và CNCH. Tài liệu sẽ được gửi tới người mua theo đường bưu điện, tuy nhiên khi ông C đặt tiền mua thì không nhận được tài liệu.

Công an TP Hà Nội khẳng định không cử cán bộ gọi điện hoặc xuống nhà dân yêu cầu mua tài liệu về PCCC và đã nhiều lần cảnh báo về nội dung lừa đảo này. Đồng thời đề nghị người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân và nếu phát hiện các đối tượng có hành vi nói trên hoặc tương tự, người dân cần nhanh chóng báo cơ quan công an gần nhất để phối hợp xử lý. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người bị lừa trở thành nạn nhân của chúng.

Theo luật sư Vũ Văn Toàn - Công ty Luật TNHH Tản Viên Sơn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, việc gọi điện liên hệ được coi là hành vi mạo danh, giả danh các cá nhân, tổ chức với mục đích đe dọa, ép buộc để thực hiện các hành vi lừa đảo hoặc thực hiện các giao dịch hành chính, dân sự… là vi phạm pháp luật, có dấu hiệu của tội phạm.

Với mỗi trường hợp mạo danh, giả danh khác nhau, người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị xử lý về các tội phạm khác nhau và chịu mức phạt khác nhau.

Mạo danh chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác nhằm làm cho người khác lầm tưởng người phạm tội (người mạo danh) có chức vụ, cấp bậc thật để dễ dàng thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác được quy định tại Điều 339 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó người nào giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Nếu hành vi giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác để thực hiện hành vi phạm tội khác nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì sẽ cấu thành thêm các tội phạm tương ứng.

Trường hợp mạo danh người khác để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thường được thực hiện qua các thủ đoạn như: làm thủ tục giấy tờ, mua sách, tài liệu… để yêu cầu nạn nhân nộp tiền.

Hành vi mạo danh như vậy để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc trường hợp pháp luật quy định có thể bị xử lý về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017.

Mức phạt thấp nhất của tội này là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Mức phạt cao nhất là phạt tù từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu phạm tội thuộc trường hợp: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn