MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chợ truyền thống ngày càng trở nên ế khách do xu hướng bùng nổ của các nền tảng mua sắm. Ảnh minh hoạ: Thành Nhân.

Tại sao chợ truyền thống ngày càng ế khách

Mạnh Cường LDO | 26/12/2023 11:24

Nguyên nhân chợ truyền thống ế khách được nhiều người tiêu dùng lý giải do giá cả đắt đỏ, thanh toán, mua hàng bất tiện, cân điêu... và xu hướng bùng nổ của các nền tảng mua sắm online.

Chị Nguyễn Thị Loan (25 tuổi) - công nhân tại Vĩnh Phúc chia sẻ, thời buổi công nghệ phát triển, chị sẽ ưu tiên mua sắm, thanh toán online. Phần vì rất tiện lợi phần vì quá bận rộn, không có nhiều thời gian ra chợ mỗi ngày.

"Ngày nào tôi cũng ra khỏi nhà lúc 7h, về nhà lúc 20h tối nên chỉ tranh thủ lướt điện thoại trước lúc đi ngủ để mua hàng. Chỉ những thực phẩm tươi sống mới mua ngoài chợ, còn lại mua trên mạng hết” - chị Loan chia sẻ.

Chị Loan ưu tiên mua hàng trên mạng và siêu thị hơn chợ truyền thống. Ảnh: NVCC.

Dù vậy, chị Loan cũng rất hạn chế việc mua thực phẩm ngoài chợ mà sẽ ưu tiên vào trong siêu thị để lựa chọn. Bởi rất nhiều lần nữ công nhân bị người bán trục lợi bằng cách nói thách giá cả mặt hàng và cân sai trọng lượng.

“Nhìn tôi còn khá trẻ nên người bán luôn nói giá cao hơn thực tế, mua càng nhiều càng bị lỗ. Đã vậy còn cân thiếu, hàng nào gian lận ít thì cân sai nửa lạng, hàng nào nhiều thì cả lạng” - chị Loan nói.

Theo chị Loan, vào siêu thị hay mua sắm trên mạng sẽ biết rõ giá cả từng loại thực phẩm từ đó lựa chọn theo nhu cầu dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, trọng lượng cũng đúng nên không sợ thiệt thòi.

Nói về lý do chẳng mấy khi đi chợ mua quần áo và các đồ dùng tư trang, chị Phạm Thu Hà (21 tuổi) - sinh viên Đại học Thương Mại (Hà Nội) cho biết giá cả ngoài chợ rất cao, trả giá thế nào cũng bị hớ.

“Không ít lần tôi tưởng đã mua được bộ quần áo giá rẻ vì trả xuống gần một nửa so với giá người bán đưa ra. Tuy nhiên, về nhà lại hụt hẫng khi lướt internet lại thấy các chủ shop bán với giá chỉ bằng ⅓, rẻ hơn nhiều so với giá mua. Với sinh viên, tiết kiệm được vài chục nghìn cũng quý" - chị Hà kể.

Lý do khác khiến chị Hà ưu tiên việc mua hàng trên mạng đó là được miễn phí vận chuyển, đa dạng mẫu mã để lựa chọn và nhiều mã giảm giá. Những ưu điểm này giúp chị Hà tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức và cả chi phí.

“Tôi ở Hà Nội nên phí ship rất rẻ, sau khi áp mã miễn phí vận chuyển chỉ cần thanh toán thêm từ 1.000 đến 3.000 đồng. Áp dụng thêm mã giảm giá nữa sản phẩm còn rẻ hơn giá gốc shop bán. Mẫu mã cũng khá đa dạng, dễ dàng lựa chọn theo sở thích" - chị Hà phân tích.

Nhiều chợ truyền thống ngày càng ế khách. Ảnh minh hoạ: Mạnh Cường.

Với chị Nguyễn Bảo Quyên - nhân viên văn phòng ngụ quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, việc mua sắm online đã trở thành thói quen gần như không thể bỏ. Những lý do được chị tiết lộ đó là nhiều ưu đãi, được hoàn tiền, tiện lợi và giá cả cũng rất phải chăng.

“Khi mua hàng online, tôi có thể biết được chất lượng sản phẩm như thế nào thông qua livestream, xem đánh giá của người mua trước. Mã giảm giá cũng được các sàn tung ra thường xuyên nên rất tiết kiệm chi phí” - chị Quyên chia sẻ.

Bên cạnh đó, nữ nhân viên cũng thấy tiện lợi khi có thể tranh thủ vừa làm việc vừa lướt internet để mua sắm online, tiết kiệm thời gian. Đến lúc lấy hàng nếu bận rộn chỉ cần báo shipper gửi bảo vệ hoặc hàng xóm đều được.

Đặc biệt, chị Quyên ưu tiên sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán trước. Mục đích để không mất thời gian đi rút tiền mặt và nhận ưu đãi hoàn tiền 10% từ phía ngân hàng, tránh lãng phí.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn