MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều hoạt động được tổ chức trở lại tại khu vực hồ Văn - Văn Miếu Quốc Tử Giám. Ảnh: TRẦN VƯƠNG

Tái sinh các hoạt động tại hồ Văn - Văn Miếu Quốc Tử Giám

VƯƠNG TRẦN LDO | 25/09/2018 10:05
Một thời gian dài, khu vực hồ Văn - thuộc Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Văn Miếu Quốc Tử Giám gần như đóng cửa im lìm nên chưa phát huy hết tiềm năng của khu di tích. Thời gian gần đây, một số hoạt động đã được tổ chức trở lại như những buổi bình văn, bình thơ của nho sĩ kinh kỳ, làm hồi sinh hồ Văn

Thoát cảnh “cửa đóng, then cài”

Là một bộ phận không thể tách rời của Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Văn Miếu Quốc Tử Giám nhưng những năm vừa qua, các hoạt động tại hồ Văn gần như rất ít. Người ta thường chỉ chứng kiến cảnh sôi động mỗi độ Tết đến xuân về tại đây khi diễn ra hoạt động cho chữ đầu xuân, thi thư pháp… Những ngày thường, ngày hè, khu vực này dường như không có hoạt động nổi bật và rất ít du khách tới thăm.

Anh Trịnh Xuân Đoàn (SN 1986, Hồ Tùng Mậu, Hà Nội) cho biết: Tôi cũng thường hay đưa con tới Văn Miếu để tham quan. Thế nhưng thú thực, khu vực hồ Văn thì thường chỉ khi Tết đến thì mới thấy mở cửa. Việc để một phần di tích không triển khai hết các hoạt động như vậy là chưa tương xứng với tiềm năng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, bước đầu tôi cũng đã thấy có nhiều hoạt động được giới thiệu trở lại nên cũng muốn đến thử xem sao.

Liên quan tới việc này, trao đổi với PV Báo Lao Động, TS Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám - cho biết: Nhằm phát huy giá trị của di tích, thời gian gần đây Văn Miếu cũng đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động sau một thời gian dừng hoạt động. Trong 3 tháng hè, Văn Miếu đã tổ chức hoạt động “Sĩ tử nhí”, tổ chức các hoạt động vui chơi, thi vẽ tranh… cho trẻ em. Nhờ đó, ngoài các gia đình có con nhỏ, nơi đây bước đầu đã thu hút du khách quốc tế tới tham quan, trải nghiệm các trò chơi dân gian. Ngoài ra, nhiều trường mẫu giáo và tiểu học trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận cũng đưa đoàn học sinh tới đây vui chơi tập thể.

Tiếp tục duy trì các hoạt động thu hút du khách

TS Lê Xuân Kiêu cũng cho biết thêm, nhằm định vị hồ Văn trở thành điểm sinh hoạt văn hóa kết hợp giáo dục di sản, Văn Miếu sẽ tiếp tục tổ chức triển khai các chương trình vui chơi giải trí và các trò chơi dân gian tại hồ Văn - Văn Miếu Quốc Tử Giám. Hoạt động mới nhất được tổ chức là chương trình “Ký ức mùa trăng” nhân dịp Rằm Trung thu. Ban tổ chức chương trình mong muốn, ở chuỗi hoạt động trải nghiệm này, các con sẽ học hỏi và tự làm được những món quà, những sản phẩm đặc trưng của mùa trăng trung thu để tặng bố mẹ mình. Chúng tôi mong muốn gửi thông điệp đến tất cả mọi người trong sự kiện này đó là sự trân trọng về những giá trị truyền thống của dân tộc mà thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau.

Là phụ huynh đưa con tìm về với các hoạt động truyền thống, tham gia các trò chơi tại hồ Văn - Văn Miếu Quốc Tử Giám, chị Nguyễn Thị Nguyệt Ánh (34 tuổi, Trần Phú, Hà Đông) cho hay: Năm nay là năm đầu tiên mà tôi biết khu vực này diễn ra các hoạt động trải nghiệm cho các bé như hoạt động hè “Sĩ tử nhí”. Điều này rất bổ ích và tạo ra sân chơi cho các con được tìm về với những trò chơi dân gian, trò chơi truyền thống thay vì dành quá nhiều thời gian cho các thiết bị điện tử. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa giá trị của khu di tích này, tôi cho rằng cần phải quảng bá hơn nữa hình ảnh để mọi người biết đến hơn. Khu vực này cũng cần thường xuyên có những hoạt động, giới thiệu những câu chuyện, giá trị di sản, hoạt động hướng về cội nguồn hay cách bố trí không gian sao cho phù hợp, hấp dẫn người dân và du khách hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn