MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lãnh đạo huyện Tu Mơ Rông tiếp nhận hoa lan từ các nơi gửi về. Ảnh VM

Tái tạo rừng từ hành động trả lại từng khóm hoa, giọt nước

Thanh Hải LDO | 24/04/2022 17:13

Trong chuỗi sự kiện kích cầu du lịch dịp lễ 30.4, 1.5, sáng 24.4, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã phối hợp với Hội Hoa lan Việt Nam tổ chức chương trình “Đưa hoa lan về rừng” nhằm phục vụ du khách đến tham quan các thắng cảnh trên địa bàn.

Việc làm ngược, "đưa củi về rừng" này đang là phong trào mạnh mẽ ở nhiều địa phương cả nước, còn mang ý nghĩa, thông điệp quan trọng hơn - đó là hành động cụ thể để bảo vệ hệ sinh thái rừng tự nhiên.

Tại sự kiện lần này, Hội Hoa lan Việt Nam cam kết sẽ tặng cho Kon Tum hơn 20.000 cá thể lan các loại để phát triển trong các khu rừng trên địa bàn. Thông qua đó, nhằm bảo tồn nguồn gien một số giống lan quý hiếm và phục vụ phát triển kinh tế từ lan.

Toàn bộ cá thể lan đó, huyện sẽ đưa lên trồng, phát triển tại khu rừng ở Khu căn cứ cách mạng Tỉnh ủy, các điểm du lịch sinh thái để vừa bảo tồn, vừa phục vụ khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.

Phong lan từng là đặc sản, có nhiều ở các cánh rừng nhiệt đới, độ ẩm cao. Nhưng rồi, phong lan đã bị khai thác đến cạn kiệt, thậm chí nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng. Khi có cầu ắt có cung. Người dân bản địa khai thác lan để phục vụ người chơi ở miền xuôi, đô thị.

Mặt khác, phong lan cũng suy giảm dần bởi cây gỗ lớn bị khai thác, chặt hạ do nạn phá rừng, lấy gỗ, đốt rừng, lấn đất làm dự án... Không chỉ lan mà bất cứ sinh vật rừng nào bị mất đi, cùng sẽ đứt gãy chuỗi mắt xích trong hệ sinh thái tự nhiên, mất rừng.

Quảng Nam là địa phương đi đầu và thay đổi rất nhanh về nhận thức này. Bởi vậy, mấy năm gần đây, các huyện miền núi Quảng Nam đồng loạt kêu gọi, triển khai rầm rộ phong trào "đưa gỗ về rừng" - nghĩa là tập trung trồng cây bản địa, cây gỗ lớn, dần hạn chế và tiến tới giảm dần diện tích trồng cây keo lá tràm.

Các nhà chuyên môn về lâm nghiệp đã phân tích, cảnh báo rất nhiều về mặt trái của trồng rừng sản xuất. Dù các địa phương đều đã quy hoạch 3 loại rừng, gồm: Rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất, tuy nhiên, việc quản lý lỏng lẻo, hiện tượng xâm lấn rừng phòng hộ, biến rừng phòng hộ thành rừng sản xuất để trồng keo xảy ra phổ biến. Người dân chạy theo lợi ích trước mắt để ồ ạt trồng cây keo mà phá vỡ quy tắc này. Ở Tây Nguyên còn có hiện tượng lấn rừng để lấy đất làm nông nghiệp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng để làm các dự án kinh tế khác...

Hậu quả mất rừng tự nhiên mà người dân miền núi vùng duyên hải đang gánh chịu là sạt lở, trôi làng, chết người, hư hỏng hạ tầng nghiêm trọng mỗi mùa mưa bão. Người Tây Nguyên đang trả giá khi nạn hạn hán, mất mùa, đói nghèo đang tái diễn...

Vì vậy, phong trào trồng cây bản địa, trồng cây gỗ lớn để trả gỗ về rừng như Quảng Nam, hay đưa hoa phong lan trở về rừng không chỉ có giá trị thực tiễn mà còn có ý nghĩa quan trọng, nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng, tái tạo hệ sinh thái rừng tự nhiên.

Có rừng thì nguồn nước sẽ được bảo vệ và gìn giữ bền vững. Vì vậy, dù trồng một cây gỗ bản địa, tặng một khóm lan, một giọt nước... lại cho rừng còn là hành động kêu gọi cộng đồng hướng đến việc yêu thiên nhiên, bảo vệ rừng một cách bền vững nhất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn