MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các tài xế giao đồ ăn đang chờ lấy hàng tại một quán càphê (ảnh: PK).

Tài xế giao đồ ăn bị dọa từ chối đơn hàng - sự thật cần nhìn từ hai phía

Thế Lâm LDO | 01/06/2019 19:00
Chỉ vì các tài xế giao thức ăn của Grab và Go-Viet khi lấy thức ăn xong rời đi không xếp ghế ngồi lại ngay ngắn mà cửa hàng thức ăn nhanh B.K trên đường Nguyễn Tri Phương (Quận 10, TP.HCM) dán thông báo “dọa” rằng sẽ từ chối bán hàng...

Chuyện không nghiêm trọng, có thể dán thông báo chấn chỉnh, nhưng đâu đến mức phải nặng nề: “Các anh tài xế Go-Viet và GrabFood khi lấy hàng xong nhớ để ghế lại chỗ cũ. Nếu không để cũng không sao, lần sau (...) sẽ không nhận order...”.

Tất nhiên, các tài xế giao thức ăn của Go-Viet và Grab không đồng tình với lời lẽ và giọng điệu nặng nề, bất cần như thế. Vì thế, họ đã lan truyền thông báo đó trong cộng đồng, kêu gọi tẩy chay cửa hàng trên và đánh giá "1 sao" cho cửa hàng này.

Vấn đề được các tài xế đặt ra là, nếu thực khách bình thường không xếp ghế lại chỗ cũ thì liệu cửa hàng thức ăn nhanh trên có dám dán thông báo với lời lẽ nặng nề, bất cần và thậm chí xem thường như vậy không?

Tài xế giao thức ăn là chuyển đồ giúp từ nơi bán đến người mua, họ chính là đối tác chứ không phải đi xin xỏ. Nếu không có ứng dụng đặt đồ ăn và tài xế giao đồ ăn, hàng hóa thực phẩm của các cửa hàng cũng không thể đến được tay thực khách, và cửa hàng vì thế bỏ qua cơ hội gia tăng thêm doanh số bán hàng.

Nhìn rộng ra trên thực tế, không ít hàng quán bán đồ ăn hiện nay còn mang nặng tư duy và thái độ nhìn các tài xế giao đồ ăn là “những kẻ làm thuê”, chứ không phải là “khách hàng trung gian" hay đối tác mang lại thêm doanh thu cho họ. Vì thế, còn có những cửa hàng mà cụ thể là những nhân viên cửa hàng hành xử thiếu tôn trọng.

Tờ thông báo khiến các tài xế giao thức ăn bất bình.

Dạo tháng 4.2019, có tài xế shipper cũng đã bức xúc tung lên mạng thông tin bị nhân viên thu ngân của một cửa hàng trà sữa A. trên phố Hàng Bài (Hà Nội) có hành vi thiếu tôn trọng như ăn nói trống không, ném tiền thừa xuống bàn...

Như trong trường hợp cửa hàng B.K, thiết nghĩ chỉ cần dán thông báo nhắc nhở chung và nhắc nhở trực tiếp các tài xế cũng có thể giải quyết được vấn đề, thay vì nặng nề và thể hiện sự thiếu tôn trọng.

Những tài xế giao đồ ăn, có những ngày dãi nắng dầm mưa vất vả cũng chỉ vì kế sinh nhai hay kiếm thêm cải thiện đời sống.

Nhưng nói đi phải nói lại, các tài xế giao đồ ăn cũng không thể vì sự vất vả mà bỏ qua văn hóa văn minh, tính kỷ luật, đặc biệt là những hành vi ứng xử tại những nơi công cộng hay chỗ thường có đông người. Việc bị những thông báo như trên làm chạm tự ái rồi kêu gọi nhau tẩy chay cửa hàng cũng không phải là cách hành xử chuẩn mực.

Cách tốt nhất là các tài xế nên phản ánh lại với doanh nghiệp vận hành ứng dụng để làm việc lại với các đối tác hàng quán, đồng thời tài xế cũng phải tự nâng cao nhận thức văn minh trong các hành vi, ứng xử.

Trong trường hợp cửa hàng trà sữa, nhân viên ở đây sau đó cũng gửi một video lên công ty vận hành ứng dụng phản ánh tài xế giao hàng đã ăn nói văng tục và có thái độ không phù hợp.

Cần biết rằng trong đội ngũ các tài xế giao đồ ăn hiện nay, có không ít người có học vấn thấp, văn hóa hạn chế cho nên trong nhiều trường hợp có những hành xử kém văn hóa, không văn minh.   

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn