MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một chiếc xe container mất lái, tai nạn lật xe trên đèo Lò Xo. Ảnh CA

Tài xế ngán ngại khi qua đèo dài, nguy hiểm bậc nhất Tây Nguyên

THANH TUẤN LDO | 05/03/2022 15:40

Kon Tum – Đèo Lò Xò ở tỉnh Kon Tum là một trong những đèo dài, nguy hiểm bật nhất ở Tây Nguyên. Gần đây, trên đường đèo xuất hiện các vết sụp, lún khiến giới tài xế xe tải ngán ngại, lo sợ nguy cơ tai nạn giao thông.

Đèo Lò Xo như chính tên gọi của nó, vòng vèo uốn lượn hơn 25km qua những dãy núi nối Quảng Nam với tỉnh Kon Tum. Cùng với đèo Prenn tại Lâm Đồng, đèo Phượng Hoàng tại Đắk Lắk, đèo Violac tại huyện Kon Plông, Kon Tum đèo Lò Xo là nỗi ám ảnh của giới tài xế xe tải khi thường xảy ra các vụ tai nạn.  

Tài xế Nguyễn Thành (32 tuổi, trú TP.Pleiku, Gia Lai) cho biết, vài tháng trở lại đây, dọc đường đèo xuất hiện những vết nứt, lún sâu. Do đường đèo đổ bêtông nên khi xe chạy tốc độ nhanh thì dễ bị “chém lốp”, nổ lốp nguy hiểm. “Tôi đi qua đèo Lò Xo, xe tải chở hàng nông sản trọng lượng lớn nên tốc độ lao dốc rất nhanh, nhiều khi rà thắng không kịp. Nếu xe va vết sụp lún thì dễ lạc tay lái đâm vào vách núi đá”, tài xế Thành nói.  

Tài xế Bùi Văn Quảng (49 tuổi, trú huyện Kon Rẫy, Kon Tum) cho hay, sau mỗi mùa mưa bão, cung đường đèo lại xuất hiện các vết nứt, lún tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn. Có thể mặt đường bêtông thi công đã lâu, lưu lượng xe tải nặng qua lại lớn nên dẫn đến hư kết cấu nền đường. Theo anh Quảng, hầu hết tài xế xe tải chọn đi đường đèo Lò Xo đều có nhiều năm kinh nghiệm xử lý tình huống. Nhưng các tài xế cũng rất lo sợ khi có những góc cua tay áo, độ dốc cao, ban đêm thiếu ánh sáng đường, tài xế sẽ không nhìn thấy rõ các vết sụt lún, dễ đâm vào taluy ven đường.  

Trước nguy cơ tai nạn chực chờ, Sở Giao thông Vận tải Kon Tum đã đầu tư xây dựng hệ thống hộ lan bằng lốp xe kiên cố, gắn cản quang, hộ lan. Dưới đoạn đổ đèo thường có các đường cứu nạn, để khi mất lái tài xế lao thẳng xe vào. Tuy nhiên, theo đánh giá của tài xế, đường cứu nạn quá ngắn, cạnh triền núi, nếu tài xế cho xe đâm vào lo xe bay thẳng xuống vực. Việc rải đá dăm dọc đường cứu nạn cũng chưa hợp lý, mà cần phải rải cát để tạo độ lún mới có thể hãm tốc cho xe.  

Nhận được thông tin phản ánh, đại diện Chi cục Quản lý đường bộ III.4, thuộc Cục Quản lý đường bộ III - Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đơn vị đang kiểm tra, đánh giá các điểm bị hư hỏng, hoàn thiện hồ sơ để xin bổ sung ngân sách xử lý các vị trí hư hỏng. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, sửa, vá mặt đường bê tông tạo độ êm thuận tiện cho các phương tiện khi lưu thông.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn