MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tài xế xe cứu hỏa có lỗi gì trong vụ tai nạn trên cao tốc Pháp Vân?

Độc giả Lê Ba LDO | 22/03/2018 07:30

Những ngày qua, các phương tiện truyền thông và mạng xã hội đã đưa nhiều bình luận, đánh giá về nguyên nhân vụ tai nạn xe khách đâm xe cứu hỏa trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Gĩe. Bạn đọc Le Ba đã gửi đến Báo Lao động những phân tích rất xác đáng về vụ việc này.

Nhiều ý kiến bất bình, thậm chí là gay gắt với cách xử trí của lái xe chữa cháy khi bắt đầu vào cao tốc, khi cho xe chạy ngược chiều trên cung đường này. Trong khi các nhà chức trách lại đánh giá rất đơn giản rằng xe chữa cháy không có lỗi vì Luật Giao thông đường bộ cho phép xe ưu tiên được đi ngược chiều.

Hãy cùng phân tích để hiểu rõ diễn biến sự việc: Thứ nhất, lực lượng chức năng cần xác định xe chữa cháy có đúng là đang trên đường làm nhiệm vụ khẩn cấp trên đường cao tốc không. Muốn thế phải xác định được, trên đường này có vụ tai nạn, địa điểm ở đâu, hậu quả thế nào, có cần thiết phải điều xe chữa cháy đến?

Về cách xử trí của lái xe chữa cháy, mặc dù là xe ưu tiên và được quyền đi ngược chiều trên cao tốc theo luật định, nhưng lái xe này phải hiểu được tính nguy hiểm của việc lái xe đi ngược chiều đường cao tốc so với đường bình thường. Bởi lẽ, trên cao tốc, các xe đều di chuyển với tốc độ cao, nhiều xe cùng di chuyển trên nhiều làn đường. Chỉ cần một sơ ý nhỏ có thể dẫn đến hậu quả không lường.

Tiếp nữa, dù là xe ưu tiên “không bị hạn chế tốc độ” nhưng người lái xe vẫn phải chấp hành quy tắc giao thông như giảm tốc độ, quan sát khi đến đường nơi giao nhau theo quy định tại Điều 24  Luật Giao thông đường bộ, hoặc xe chữa cháy khi chuyển hướng từ đường nhánh để đi ngược chiều vào đường cao tốc cũng phải tuân thủ quy định tại Điều 15 bộ luật này.

Nên hiểu “không bị hạn chế tốc độ” ở đây là khi xe chạy trên đường, còn khi đến giao lộ, rẽ phải, rẽ trái, quay đầu xe… vẫn phải tuân thủ quy định về bảo đảm an toàn.

Ngay khi đến giao lộ, gặp đèn đỏ, luật cho phép xe ưu tiên được quyền đi, song người lái xe ưu tiên vẫn phải giảm tốc độ, bật tín hiệu ưu tiên để các loại phương tiện ở các hướng đường (nhất là hướng đường đèn xanh) nhường đường, đến khi thông thoáng mới đi qua an toàn được.

Về mặt nhận thức, xe được quyền ưu tiên nên lái xe chữa cháy đã xem thường các quy định khác về bảo đảm an toàn, tài xế cho rằng bất kỳ tình huống nào xe cũng được ưu tiên. Xem lại đoạn băng ghi hình vụ tai nạn, chúng ta sẽ thấy rõ điều này.

Thứ hai, đối với tài xế lái xe khách, do đang đi trên cao tốc (đường ưu tiên) nên được di chuyển với tốc độ cao. Vấn đề đặt ra khi xem xét trách nhiệm của lái xe khách là phương tiện này có chạy đúng tốc độ tối đa cho phép theo quy định không? Băng hình cho thấy khoảng cách xe khách và xe chạy phía trước khá xa nhau.

Dù chạy đúng tốc độ cho phép nhưng với khoảng cách quá gần khi xe chữa cháy lao ra đường cao tốc, bên cạnh đó thời tiết xấu, đường trơn, xe khách không thể dừng lại ngay được.

Hy vọng các cơ quan chức năng, điều tra, xử lý vụ tai nạn này một cách khách quan, toàn diện, phải kiểm tra về kỹ thuật an toàn của hai xe, điều kiện tham gia giao thông của hai lái xe, không thể phiến diện vội kết tội cho lái xe khách.

Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an và các cơ quan liên quan xem xét đến yếu tố nguy hiểm khi cho phép xe ưu tiên đi ngược chiều trên đường cao tốc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn