MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Phương và bà Hồng ngồi chờ việc đã 2 tiếng đồng hồ nhưng vẫn chưa có ai thuê. Ảnh: Trần Tuấn.

Tâm sự của những người phụ nữ "ai thuê gì làm nấy" ngày cuối năm

TRẦN TUẤN LDO | 12/01/2023 07:56

Ở cái tuổi lên chức bà, một số phụ nữ ở xã Hộ Độ (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) hằng ngày vẫn lên thành phố Hà Tĩnh tìm việc “ai thuê gì làm nấy” để kiếm tiền trang trải cuộc sống, sắm sửa ngày Tết.

Đã làm bà vẫn gắng kiếm tiền trang trải cuộc sống

Sáng 12.1, tại “chợ người” ở góc ngã tư đường Hà Huy Tập với đường Hải Thượng Lãn Ông (thành phố Hà Tĩnh), nơi nhiều lao động tự do hay ngồi chờ việc khá vắng vẻ so với ngày thường.

Ở đó, có 2 phụ nữ lớn tuổi đang ngồi co ro hóng người đến thuê để đi làm. Tiến lại gần, tôi hỏi 2 bà có phải đang chờ việc không, có thể làm được những việc gì? Hai người phụ nữ liền tươi cười trả lời ngay “đúng rồi, việc gì chúng tôi cũng làm được, từ phụ hồ, dọn dẹp lau chùi nhà cửa, bưng bê, vận chuyển vật liệu xây dựng ...”.

Bà Nguyễn Thị Phương (50 tuổi, trú xã Hộ Độ) chia sẻ, như thường lệ, sáng nay bà cùng bà Nguyễn Thị Hồng (55 tuổi, trú cùng xóm) dậy sớm nấu cơm ăn sáng rồi chạy xe máy từ xã Hộ Độ lên mất khoảng 30 phút. Lên đến thành phố ngồi chờ 2 tiếng đồng hồ vẫn chưa có ai đến thuê làm việc gì.

“Lao động tự do như chúng tôi thì may rủi thôi, có hôm lên kiếm được việc thì cũng có 300 đến 400 ngàn đồng, có hôm lên không có việc lại ngồi không chán chê rồi về lỗ mất tiền xăng” - bà Phương chia sẻ.

Bà Phương cho hay, dù bà không còn nặng gánh nuôi con vì các con đã lớn lập gia đình cả rồi. Thế nhưng, cuộc sống có nhiều thứ phải chi tiêu như đi mừng cưới, mừng nhà, thăm hỏi đau ốm, ma chay... cũng rất tốn kém nên phải cố gắng đi làm để có chi tiêu, nếu chỉ chờ xin các con cũng phiền hà, trong khi các con cũng đang khó khăn, vất vả.

Nay sắp Tết, nhu cầu chi tiêu lại cao hơn nên phải cố gắng nhiều hơn so với ngày thường. Bởi vậy dù mưa rét, 2 bà vẫn đi kiếm việc làm.

Bà Hồng (bên phải) và bà Phương ngồi tâm sự về cái nghề mưu sinh vất vả đã hơn 20 năm nay của mình. Ảnh: Trần Tuấn.

Chung tâm sự, bà Nguyễn Thị Hồng - chia sẻ, con cái bà cũng đã lớn, trưởng thành đi lập nghiệp rồi. Hiện có cô con gái đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản nhưng bà vẫn cố gắng tự đi làm kiếm tiền chi tiêu chứ chẳng thể “ngồi không” ở nhà để xin con cháu.

“Công việc cũng vất vả nhưng chúng tôi tự cảm thấy vẫn đang đủ sức để làm được thì vẫn đi làm. Theo nghề lao động tự do này đã hơn 20 năm rồi nên cũng quen với vất vả rồi” - bà Hồng tâm sự.

Bà Hồng cho biết thêm, dịp Tết này nếu có việc làm, như mọi năm họ sẽ bám trụ làm đến ngày 28, thậm chí 29 Tết để kiếm thêm đồng tiền chi tiêu, mua sắm Tết.

Bỏ nghề làm muối truyền thống

Theo những phụ nữ ở xã Hộ Độ đi làm lao động tự do này, ở quê họ không có đất làm ruộng mà chỉ có đất làm muối. Thế nhưng, nghề làm muối ế ẩm, thu nhập thấp và cũng chỉ làm được một mùa nắng nên lâu nay phần lớn người dân đã bỏ nghề truyền thống của địa phương để đi làm thuê, làm mướn.

Một góc “chợ người” ở thành phố Hà Tĩnh - nơi nhiều lao động tự do tập trung ngồi chờ việc. Sáng 11.1 do trời mưa rét nên nơi này khá vắng vẻ, một số người đã ngồi chờ sắp hết buổi mà vẫn chưa có ai thuê. Ảnh: Trần Tuấn.

Trong đó, lớp trẻ chủ yếu đi xuất khẩu lao động, lứa trung tuổi như các bà thì đi làm lao động tự do.

Ông Trương Bá Khanh - Chủ tịch UBND xã Hộ Độ - thông tin, trước đây xã Hộ Độ cao điểm có 120 ha diện tích làm muối. Thế nhưng, do nghề làm muối khó khăn, ế ẩm nên hiện nay chỉ có khoảng 3,5 ha đất muối được duy trì làm nghề còn phần lớn đang bỏ hoang.

Cũng theo ông Khanh, hiện người dân địa phương chủ yếu đi làm xuất khẩu lao động, làm công nhân và làm thuê, làm mướn. Trong đó, lứa lớp trẻ đi xuất khẩu lao động, lớp vừa đi làm công nhân thi công các công trình, dự án khắp cả nước; lớp trung tuổi với khoảng 600 - 700 người đi lao động tự do như phụ hồ, bốc vác, vận chuyển vật liệu xây dựng... chủ yếu đi làm ở thành phố Hà Tĩnh và các huyện lân cận.

“Số lao động tự do của xã làm thuê trong tỉnh Hà Tĩnh họ chủ yếu là phụ nữ còn bận việc gia đình, còn phải chăm sóc con, cháu nên làm gần để sáng đi, tối về chăm con, chăm cháu” - ông Khanh chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn