MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Rác ngập khu vực Hồ Gươm sau khi lễ hội đón năm mới 2019 kết thúc. Ảnh Lao Động

Tàn lễ hội: Người về, rác ở lại và chuyện "cha chung không ai khóc"

VƯƠNG TRẦN LDO | 02/01/2019 15:59

Dịp nghỉ Tết dương lịch 2019, tại Hà Nội, hàng nghìn người tụ tập tại khu vực Hồ Gươm đón khoảnh khắc chuyển giao năm mới. Tuy nhiên, khi lễ hội kết thúc, dòng người đông đúc rời đi là hình ảnh rác ngập ngụa khắp nơi.

Ghi nhận của PV Lao Động, dịp nghỉ Tết dương lịch 2019, những địa điểm như công viên, vườn thú, khu vui chơi luôn nườm nượp người ra vào. Đặc biệt, tại khu vực Hồ Gươm đêm 31.12, rạng sáng 1.1.2019 đã có hàng nghìn người tập trung cùng chào đón năm mới.

Tuy nhiên, nhiều du khách đã không có ý thức thu dọn đồ sau khi ăn uống, khiến nhiều điểm đến vui chơi tại Hà Nội lâm vào cảnh "người về, rác ở lại".

Tất cả những gì đọng lại trên phố đi bộ ở Hồ Gươm là rác thải ngập lối đi, buộc những người lao công phải thức trắng đêm dọn dẹp trước khi người dân Thủ đô đón bình minh năm mới.

Người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những túi nilon, cốc nhựa uống nước, vỏ túi bim bim nằm ngổn ngang. Rác la liệt như bãi chiến trường.

Tình trạng rác la liệt khắp nơi và không phải đây là lần đầu xảy ra. Ảnh Lao Động.

Dù lực lượng vệ sinh môi trường luôn túc trực dọn dẹp ngay sau khi kết thúc lễ hội nhưng phải mất rất nhiều giờ đồng hồ đống rác khổng lồ mới được dọn dẹp sạch. Tình trạng rác ngập ngụa cũng xảy ra tương tự ở những điểm vui chơi công cộng khác như công viên, vườn thú…

Trao đổi với PV Lao Động, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội - cho rằng ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng như bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi... của nhiều người còn kém, đó là biểu hiện của tâm lý “cha chung không ai khóc”.

Đó là một hình ảnh rất phản giáo dục, người lớn không làm gương sẽ dẫn đến trẻ em bắt chước, dần dần thành thói quen xấu.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, cùng với việc tuyên truyền nâng cao ý thức người dân thì công tác tổ chức, quản lý ở những khu vực có đông người cần phải tốt hơn. Tại các khu vực công cộng cũng cần được bố trí thêm các thùng rác để người dân bỏ rác. Tránh tình trạng tìm mãi không thấy thùng rác đâu khiến người ta phải vứt lung tung.

"Những người thu gom rác cũng cần xuất hiện thường xuyên hơn. Bên cạnh đó cần phải có lực lượng nhắc nhở, không để xảy ra việc vứt rác bừa bãi, giẫm đạp lên vườn hoa, thảm cỏ. Mặt khác, việc giám sát và tiến hành xử phạt cần phải được thực hiện nghiêm để có tính răn đe. Lâu nay, những quy định về xử phạt gần như đang bị phớt lờ ” – TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn