MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mức tăng lương cơ sở kỳ này được đánh giá là khá cao so với các đợt tăng trước đó nhưng tiền lương cũng chỉ giúp một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức tạm đủ sống (ảnh minh họa). Ảnh: Lao Động

Tăng lương cơ sở chỉ tạm đủ sống, công chức phải làm thêm nhiều việc

Mạnh Cường LDO | 02/07/2023 12:44

Từ ngày 1.7.2023, mức lương cơ sở đã chính thức tăng từ 1.490.000 đồng lên 1.8 triệu đồng. Đây là niềm vui không nhỏ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Mức tăng lương cơ sở kỳ này được đánh giá là khá cao so với các đợt tăng trước đó nhưng theo ghi nhận, tiền lương cũng chỉ giúp một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức tạm đủ sống.

Do vậy, nhiều người đã phải kiêm, làm thêm công việc khác để cải thiện thu nhập.

Chị N.T.T (28 tuổi) hiện là cán bộ Đoàn làm việc tại Thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai). Ra trường đi làm từ năm 2018, mức lương chị T đang được hưởng là 5,5 triệu đồng/tháng. Với đợt tăng lương cơ sở như hiện tại, tiền lương của chị sẽ tăng lên gần 7 triệu đồng/tháng.

"5 năm đi làm, lương của tôi tăng chưa đến 1,5 triệu đồng. So với sự leo thang của giá cả, mức này không thể sống thoải mái được" - chị T nói.

Chị T kể, nhiều người bạn ra trường đi làm đã có lương khởi điểm 7 triệu đồng/tháng. Đến nay, thu nhập của họ cũng tăng lên 10 - 20 triệu đồng/tháng. Làm ở cơ quan Nhà nước, chị T thấy thu nhập của mình kém xa so với bạn bè cùng thời.

Để gia tăng thu nhập, chị T quyết định kiêm thêm công việc khác tại cơ quan. Chị T đang kiêm thêm chức vụ Phó Chính trị viên và Báo cáo viên cấp thành phố. Hai công việc này mang về cho chị thu nhập khoảng 1,4 triệu đồng/tháng. Sắp tới, phụ cấp cho hai công việc cũng tăng lên gần 2 triệu đồng/tháng.

Mức lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng giúp cán bộ Đoàn như chị T đảm bảo cuộc sống tốt hơn nhưng chỉ tạm ổn. Ảnh minh họa: LĐO

Theo chị T, vì đang sinh sống và làm việc ở thành phố nên mới có mức thu nhập như hiện tại. Nhiều người khác ở xã cũng làm cán bộ Đoàn nhưng thu nhập chỉ được hơn 4 triệu đồng/tháng.

Cũng bởi sinh sống ở thành phố nên mức thu nhập 9 triệu/tháng đã bao gồm phụ cấp chỉ giúp chị sống tạm ổn chứ chưa thể để dành được nhiều. Nếu có gia đình, sinh con, chắc chắn phải nhờ đến thu nhập của chồng, chị T tâm sự.

Anh P.Q.Đ (28 tuổi) - giáo viên bộ môn thể dục tại Nam Định cho hay, lương của giáo viên thể dục khá thấp. Trước khi lương cơ sở chưa tăng, tiền lương của anh là 4,1 triệu đồng/tháng. Hiện tại, lương đã tăng lên 5 triệu đồng/tháng.

"Lương tăng, chúng tôi rất vui song suy đi tính lại, mức này cũng chỉ đỡ đần được phần nào chứ chưa thể đảm bảo cuộc sống tốt hơn khi giá cả ngày càng leo thang" - anh Đ nói.

Ban đầu khi mới vào nghề, lương của anh Đ là 2,6 triệu đồng mỗi tháng, sau 6 năm gắn bó mới được như thế. Thể dục không phải môn học chính nên nhà trường không tổ chức dạy thêm, đồng nghĩa anh không cải thiện được thu nhập.

Để cuộc sống có thêm đồng ra đồng vào, anh Đ phải làm thêm nhiều công việc khác. Cụ thể, anh đã đăng ký làm Phó Bí thư Đoàn tại thị trấn và nhận lời trở thành giáo viên dạy bơi tại một trung tâm dạy bơi gần nhà.

Công việc Phó Bí thư Đoàn thị trấn giúp anh Đ có thêm phụ cấp 1,2 triệu đồng/tháng, thời gian tới sẽ tăng lên 1,7 triệu đồng/tháng. Công việc dạy bơi trung bình mang về khoảng 2,5 triệu đồng/tháng, tuy nhiên, chỉ mùa hè và mùa thu mới có thu nhập vì mùa đông, mùa xuân không ai học bơi.

Do đã có gia đình cùng một con nhỏ nên tổng thu nhập sau khi tăng lương cơ sở và công việc làm thêm 9 triệu đồng/tháng chỉ giúp anh Đ đủ sống. Vợ anh Đ làm cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin thu nhập cũng không đáng kể: 3,8 triệu đồng, từ ngày 1.7.2023 tăng lên khoảng 4,3 triệu đồng/tháng. Do đó, mọi chi tiêu trong gia đình anh Đ đều phải được thắt chặt, tính toán cẩn thận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn