MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động mong muốn được tăng lương để cải thiện thu nhập. Ảnh minh họa: Phong Linh

Tăng lương, công nhân sẽ đỡ chật vật dù ít việc

MỸ LY LDO | 08/10/2023 14:29

Việc doanh nghiệp không tăng ca, thậm chí giãn, giảm giờ làm do thiếu đơn hàng đã ảnh hưởng đến đời sống của công nhân, nhất là trong thời buổi vật giá leo thang. Nhiều công nhân mong rằng việc cải cách tiền lương sẽ giúp tăng thu nhập, bớt chật vật dù ít việc và không cần làm thêm 2 - 3 nơi để trang trải.

Giá cả nhảy múa, thu nhập bấp bênh

Mấy tháng nay, giá cả các mặt hàng thiết yếu liên tục "nhảy múa" trong khi thu nhập bấp bênh, khiến không ít công nhân phải tiết kiệm chi tiêu.

Là thu nhập chính của gia đình, anh Phạm Nhật Duy - công nhân Khu công nghiệp Trà Nóc (TP Cần Thơ) - không khỏi áp lực vì chi phí sinh hoạt của cả nhà đội lên theo giá cả hàng hóa.

“Trong khi thu nhập vẫn thế, thậm chí giảm đi vì không tăng ca mà tiền ăn uống, sinh hoạt của gia đình cứ tăng lên, khiến tôi có chút áp lực. Giá cả thực phẩm như rau, củ, thịt, cá… đều tăng ít nhất từ vài nghìn đồng”, anh Duy kể lại.

Để trang trải đủ cuộc sống, anh Duy phải cân nhắc chi tiêu từng chút một. Bữa cơm của gia đình giảm bớt món. Anh Duy cũng không dám mua sắm gì cho nhà cửa, chỉ sử dụng tiền vào những thứ thật sự cần thiết nhất vì còn con nhỏ phải lo.

Tương tự, chị Lê Hồng Diễm - công nhân Khu công nghiệp Trà Nóc (TP Cần Thơ) - cũng đang thắt chặt chi tiêu hơn bao giờ hết.

“Công ty không tăng ca, thậm chí giảm giờ làm, khiến thu nhập của tôi và chồng giảm sút. Để sống được trong thời bão giá này, hai vợ chồng buộc phải cắt hết những khoản chi tiêu không cần thiết. Muốn mua gì cũng đắn đo suy nghĩ. Cả sử dụng điện, nước cũng tiết kiệm nhất có thể để đỡ phần nào chi phí. Tuy nhiên, đó chỉ là cách tạm thời”, nữ công nhân chia sẻ.

Đang cố gắng bám trụ lại Bình Dương tìm cơ hội dịp cuối năm, gia đình nữ công nhân Nguyễn Kim Ngân (quê An Giang) cũng phải tiết kiệm từng chút một. Bởi hiện tại, tình hình sản xuất của công ty không được tốt, việc ít, có khi một tuần chỉ làm được 3 ngày khiến thu nhập giảm đi một nửa.

“Với thu nhập hiện tại mà mỗi tháng phải trả tiền thuê 2 phòng trọ rồi ăn uống, sinh hoạt… thì khá chật vật. Cho nên, cả nhà tôi ăn uống tiết kiệm hơn trước nhiều, cuối tuần được nghỉ cũng không dám đi đâu chơi. Nếu không, sẽ không đủ trang trải”, bà Ngân nói.

Mong tiếp thêm động lực

Trong thời buổi vật giá leo thang, nhiều người lao động bày tỏ hy vọng sớm được cải thiện tiền lương. Với những lao động này, việc tăng lương không chỉ giúp họ đảm bảo, duy trì mức sống tối thiểu, mà còn tiếp thêm động lực để an tâm làm việc với năng suất cao, chất lượng tốt.

Thu nhập giảm nhiều nên để trang trải đủ cuộc sống, bên cạnh chi tiêu tiết kiệm anh Duy còn đi làm thời vụ kiếm thêm thu nhập. Nhưng cũng khá bấp bênh vì không phải lúc nào cũng có việc làm. Do đó, anh Duy mong sớm được tăng lương để đỡ chật vật, yên tâm sản xuất, không cần phải đi làm thêm hết chỗ này đến chỗ khác.

“Tôi cảm thấy may mắn vì dù hiện doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng vẫn duy trì sản xuất để công nhân có việc làm, thu nhập. Nhưng thời buổi vật giá leo thang như hiện nay, một khi bị giảm giờ làm, đời sống của người lao động chúng tôi cũng khó khăn rất nhiều. Vì thế, tôi mong muốn sẽ được tăng lương càng sớm càng tốt”, anh Duy chia sẻ.

Nghe thông tin vừa tăng lương cơ sở, chị Diễm cũng ước lương tối thiểu vùng có thể được tăng sớm để cải thiện cuộc sống. Theo chị, giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng đã tăng cao hơn. Điều này làm cho thu nhập của công nhân lao động như chị khó đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực tế hằng ngày: “Không tăng ca thì lương cơ bản trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Cho nên, nếu được tăng lương, dù nhiều hay ít thì với tôi cũng đỡ chật vật hơn. Từ đó, cũng an tâm làm việc hơn”.

Hơn ai hết, chị Ngân cũng mong được tăng lương sớm ngày nào đỡ ngày đó. Chị Ngân bày tỏ: “Gần đây, các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn, chúng tôi cũng thấu hiểu. Nhưng thực tế, doanh nghiệp gặp khó thì đời sống người lao động cũng bị ảnh hưởng. Nên để tiếp tục gắn bó với công ty, tôi nghĩ cần sớm tăng lương để bù đắp lại phần trượt giá mà người lao động đang phải gánh chịu”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn