MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều ý kiến cho rằng cần đảm bảo quyền lợi cho giáo viên hợp đồng cũng như tạo điều kiện cho những giáo viên này cơ hội làm việc lâu dài nếu đủ năng lực. Ảnh: Phong Linh

Tạo điều kiện giúp giáo viên hợp đồng an tâm công tác

MỸ LY LDO | 29/11/2023 07:07

Bên cạnh những ý kiến đồng tình xung quanh đề xuất nhà trường được ký hợp đồng lao động để giải quyết khó khăn về thiếu giáo viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), nhiều người còn bày tỏ quan điểm cần đảm bảo quyền lợi cho giáo viên hợp đồng cũng như tạo điều kiện cho những giáo viên này cơ hội làm việc lâu dài nếu đủ năng lực.

Có đủ năng lực và trình độ chuyên môn

Tốt nghiệp chuyên ngành Ngôn ngữ Anh, cô Nguyễn Thị Thùy Trang (25 tuổi, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) đang công tác tại một trường trung học cơ sở ở quận Cái Răng theo hình thức giáo viên hợp đồng đã gần nửa năm nay. Với cô giáo trẻ, đây là một cơ hội làm việc quý giá. Bởi, dù là dạy hợp đồng nhưng để được nhận vào trường cô phải mất nhiều thời gian và công sức.

“Dù xin vào trường dạy theo hình thức giáo viên hợp đồng nhưng yêu cầu của nhà trường về trình độ, năng lực không thua kém gì giáo viên chính thức. Không chỉ riêng trường tôi dạy mà hiện tại ở cơ sở giáo dục nào cũng thế. Cho nên, trước khi xin vào trường dạy, tôi đã mất hơn 1 năm để học thêm các chứng chỉ liên quan”, cô Trang nói.

Cô Nguyễn Phú Hương Sang - Hiệu trưởng Trường Mầm non Trường Thành, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ - cho biết, việc tuyển dụng giáo viên hợp đồng hiện nay cũng đặt ra nhiều tiêu chí khá cao để đáp ứng được yêu cầu của công việc.

“Khi nhà trường tuyển dụng giáo viên dạy theo dạng hợp đồng, những yêu cầu về trình độ chuyên môn lẫn kỹ năng đều không thấp hơn tiêu chuẩn của giáo viên chính thức. Cụ thể, đối với giáo viên mầm non, trình độ ít nhất cũng phải có bằng cao đẳng”, cô Sang chia sẻ.

Cô Sang ủng hộ đề xuất để giải quyết khó khăn về thiếu giáo viên của Bộ GDĐT. Ảnh: Mỹ Ly

Cô Sang cũng nói thêm, bậc giáo dục mầm non có đối tượng người học là các em nhỏ hoạt bát, hiếu động với những công việc mang tính đặc thù. Cho nên, bên cạnh trình độ thì vấn đề sức khỏe, kỹ năng, khả năng chịu áp lực của giáo viên hợp đồng cũng được nhà trường lựa chọn rất kỹ càng.

Tạo điều kiện cho giáo viên đủ năng lực

Trước thông tin Bộ GDĐT tham mưu Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung cơ chế tuyển dụng để các cơ sở giáo dục được ký kết hợp đồng lao động, góp phần giải quyết khó khăn về thiếu giáo viên, cô Trang vừa bày tỏ sự đồng tình vừa hy vọng chính sách mới sẽ tăng cường thêm quyền lợi cho giáo viên hợp đồng.

“Đề xuất này vừa giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên, vừa tạo điều kiện cho những ai mong muốn công tác trong ngành giáo dục có cơ hội cống hiến. Cho nên, tôi rất đón chờ điều này. Tôi cũng mong quyền lợi cho giáo viên hợp đồng cũng sẽ được tăng cường để chúng tôi an tâm công tác. Vì dù dạy hợp đồng nhưng trình độ, năng lực cũng như sự tâm huyết, công sức chúng tôi bỏ ra đều không ít”, cô Trang tâm sự.

Ủng hộ đề xuất của Bộ GDĐT, cô Sang cho rằng các cơ sở giáo dục không những nên quan tâm, đảm bảo quyền lợi cho giáo viên hợp đồng mà cần tạo điều kiện cho họ gắn bó lâu dài nếu đủ năng lực. Đây cũng là một cách giúp giải quyết khó khăn về thiếu giáo viên tiếp nối theo đề xuất của Bộ GDĐT.

“Dù là giáo viên chính thức hay hợp đồng, nhà trường luôn tạo mọi điều kiện để các giáo viên có thể an tâm công tác. Vì các cô đều cống hiến hết mình cho công việc, đảm bảo chất lượng giáo dục tại đơn vị. Cho nên, không chỉ tại đơn vị đang công tác mà tôi mong rằng các cơ sở giáo dục nói chung, trong quá trình dạy, nếu đánh giá các giáo viên hợp đồng có đủ năng lực, trình độ, đáp ứng được yêu cầu công việc và có nguyện vọng gắn bó với đơn vị thì cũng nên tạo điều kiện cho họ”, cô Sang nói.

Tại sự kiện Thủ tướng gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam diễn ra chiều 17.11, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện cả nước thiếu 127.583 giáo viên và con số này đang tăng. Bộ trưởng cho hay, Bộ GDĐT đã chỉ đạo địa phương rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ tham mưu trình Bộ Chính trị phê duyệt 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương trong giai đoạn 2022-2026. Đặc biệt, Bộ GDĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung các cơ chế tuyển dụng để các cơ sở giáo dục được ký kết hợp đồng lao động góp phần giải quyết khó khăn về thiếu giáo viên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn