MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe gắn biển tập lái chạy trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Ảnh: Minh Hạnh chụp 15h30 ngày 26.5

Tập lái xe trên cao tốc, lợi bất cập hại

Minh Hạnh LDO | 29/05/2024 09:20

Mặc dù không có quy định cấm xe tập lái đi vào đường cao tốc, nhưng việc các giáo viên dạy lái cho học viên đi vào đường cao tốc để luyện tay nghề tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông và gây bức xúc cho những người cùng tham gia giao thông.

Theo quy định, để đủ điều kiện tham gia kỳ thi sát hạch lái xe, học viên phải trải qua quá trình học thực hành. Với bằng B1, yêu cầu tối thiểu phải thực hành 710km, bằng B2 tối thiểu là 810km. Theo các chuyên gia giao thông việc quy định số kilomet thực hành này sẽ giúp các học viên đủ kỹ năng xử lý khi điều khiển phương tiện sau khi được cấp giấy phép lái xe.

Quy định là vậy, nhưng hiện chưa có đường dành riêng để học viên tập lái, phần lớn sau khi được học sa hình trong sân tập giáo viên dạy lái cho các học viên thực hành trên đường trường cùng các phương tiện tham gia giao thông khác.

Việc lái xe trên đường yêu cầu kỹ năng và kinh nghiệm. Trong khi đó, những người mới học lái xe thì thường chưa quen quan sát, kỹ năng xử lý các tình huống còn nhiều hạn chế, khi di chuyển chung với các xe khác ở tốc độ cao có thể gây nguy hiểm cho cả người học, giáo viên và những người cùng tham gia giao thông.

Theo phản ánh của nhiều lái xe lưu thông trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, họ thường bị những xe gắn biển tập lái đi phía trước chuyển làn đột ngột không bật đèn tín hiệu (xi nhan), rất nguy hiểm, nếu không quen hoặc lơ đãng một chút là có thể sẽ xảy ra tai nạn.

Xe gắn biển tập lái chạy 40-50km/h trên làn đường 90km/h tại cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Ảnh: Minh Hạnh

Theo anh Đặng Đức Khôi (trú tại Ba Hàng, TP Phổ Yên, Thái Nguyên) rất nhiều lần anh gặp xe phía trước phanh đột ngột hay bất ngờ tạt đầu rẽ phải rất nguy hiểm, do đó khi muốn vượt các xe gắn biển tập lái anh luôn phải bóp còi và nháy đèn xin đường từ xa để đảm bảo an toàn.

Chiều 26.5, ghi nhận thực tế cho thấy nhiều xe gắn biển tập lái như 30F - 162.xx, 20A - 068.xx, 30G - 166xx... lưu thông trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên với tốc độ khoảng 40-50km/h trong khi tuyến đường này quy định tốc độ tối thiểu là 60km/h và tối đa là 90km/h.

Ông Nguyễn Văn Thăng (giáo viên dạy lái xe tại một trung tâm của Hà Nội) cho hay, theo quy định học viên học lái xe phải đảm bảo đủ số kilômét chạy đường trường, trong khi đó hiện chúng ta chưa có đường dành riêng cho xe tập lái đường trường. Việc các giáo viên dạy lái thường lựa chọn tuyến cao tốc Hà Nội -Thái Nguyên và đại lộ Thăng Long (Hà Nội) đi Ba Vì và Hòa Bình vì có chiều dài đảm bảo cho một cung chạy. “Đường rộng, phương tiện đi lại không nhiều như những tuyến cao tốc khác và không thu phí. Đây là tuyến đường phù hợp nhất về khoảng cách để các học viên luyện tay nghề”, ông Thăng cho hay.

Xe gắn biển tập lái chạy 40-50km/h trên làn đường 90km/h gây nguy hiểm cho xe chạy phía sau. Ảnh: Minh Hạnh chụp 16h ngày 26.5.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Phạm Công Huấn - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Thái Nguyên cho biết, mặc dù không có quy định cấm xe tập lái hoạt động trên đường cao tốc, nhưng với những “tài mới” thường mới chỉ làm quen với những bài học sa hình, hoặc lái xe tại các đoạn đường vắng với tốc độ 20-30km/h, khi lên cao tốc và phải chạy thấp nhất 60km/h chắc chắn sẽ khó khăn.

Cũng theo ông Huấn, để đảm bảo an toàn giao thông và quản lý các xe tâp lái trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Sở GTVT Thái Nguyên đã có văn bản gửi Cục Đường bộ Việt Nam và các sở GTVT lân cận đề nghị tuyên truyền và khuyến cáo các giáo viên dạy lái xe cần có ý thức chấp hành các quy định và trách nhiệm về an toàn giao thông khi đào tạo học viên trong việc chấp hành về khoảng cách, tốc độ và tuyến đường.

“Những học viên mới tập lái và làm quen với phương tiện mà đã chạy trên cao tốc sẽ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT và trên thực tế trên tuyến này đã xảy ra TNGT liên quan đến xe tập lái”, ông Huấn cho biết.

Thời hạn của giấy phép lái xe hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam. Bằng lái xe được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp nếu người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam.

Đối với bằng lái xe hạng B2 có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp và đối với bằng lái xe hạng C có thời hạn 5 năm, kể từ ngày cấp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn