MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tàu hút cát sát bờ khiến nhiều diện tích đất canh tác của người dân bị sạt lở. Ảnh: Bảo Nguyên

Tàu cát áp sát bờ, đất đai trôi sông, người dân bất lực

Bảo Nguyên LDO | 23/07/2024 08:53

Yên Bái - Khu vực đất canh tác của người dân Hán Đà liên tục xảy ra sạt lở, trôi tuột xuống sông Chảy do hoạt động khai thác cát sỏi diễn ra nhiều năm nay.

Cây trồng ven sông bị "nuốt chửng"

Phản ánh đến Báo Lao Động, người dân thôn Hán Đà 1 (xã Hán Đà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) cho biết, trong vài năm trở lại đây, nhiều diện tích đất canh tác nằm dọc bờ sông Chảy bị sạt lở nghiêm trọng do hoạt động khai thác cát sỏi tràn lan của doanh nghiệp.

Bãi tập kết cát trên sông Chảy. Ảnh: Bảo Nguyên

Ròng rã nhiều năm trời gửi đơn kiến nghị khắp nơi, anh Phạm Xuân Trường cho chúng tôi xem rất nhiều hình ảnh, video tàu khai thác cát sát cạnh đất canh tác của người dân dẫn đến diện tích ngày càng thu hẹp do trôi tuột xuống sông Chảy.

“Trong quá trình khai thác, họ dùng tàu hút, vòi cắm sâu hút cát khiến cho chân taluy bị rỗng. Thời gian lâu dần, kèm mưa dẫn đến sạt lở đất canh tác của các hộ dân dọc bờ sông Chảy.

Nhiều năm liền, người dân liên tục kiến nghị và yêu cầu công ty khai thác đúng mốc giới, tránh làm ảnh hưởng đến đất canh tác của người dân, tuy nhiên đến nay, tình trạng này không thay đổi và sạt lở đất trồng cây ven sông càng thêm nghiêm trọng”, anh Trường cho biết.

Cùng chung lo lắng, ông Mai Văn Học - người dân thôn Hán Đà 1 - nói: “Họ thường khai thác lúc sáng sớm và buổi trưa ngay gần bờ, sau đó tập kết rồi chở cát đi nơi khác. Cứ đà này, mấy sào đất ven sông trồng bưởi, chuối, nhãn của gia đình tôi bị "nuốt chửng" mất”.

Theo lời người dân, hàng rào, đất trồng cây ven sông Chảy của họ cứ nứt toác và nguy cơ trôi tuột do ảnh hưởng của khai thác cát. Ảnh: Bảo Nguyên

Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động nhiều ngày giữa tháng 7.2024, dọc bờ sông Chảy đoạn qua địa phận xã Hán Đà nham nhở những điểm sạt lở. Phía dưới sông ngay sát bờ, các tàu hút rầm rập hoạt động làm dòng nước đục ngàu.

Không những vậy, nhiều vết nứt ở tường rào, vườn cây của các hộ dân cũng xuất hiện ngày một to dần, nguy cơ cao tiếp tục sạt lở đất.

"Không những mất đất trồng cây, vào mùa khô, chúng tôi còn bị thiếu nước sinh hoạt do lòng sông bị sâu hơn mặt lòng sông cũ tới vài mét", ông Nguyễn Văn Sự - một hộ dân khác bị ảnh hưởng - cho hay.

Theo lời người dân thôn Hán Đà 1, hơn chục gia đình sinh sống ven sông Chảy đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc khai thác cát sỏi sát bờ. Dù họ đã nhiều lần kiến nghị đến các cơ quan chức năng nhưng đến nay chưa được giải quyết.

This browser does not support the video element.

Bờ sông Chảy đoạn qua xã Hán Đà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái sạt lở nghiêm trọng do hoạt động khai thác cát

Khó kiểm tra và xử lý (?)

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Phạm Xuân Trường - Chủ tịch UBND xã Hán Đà - xác nhận hoạt động khai thác cát trên địa bàn của Công ty CP khai thác và chế biến khoáng sản Trường Phát.

“Dân kiện cáo suốt ngày ấy mà, nhiều nhà đã bị sạt lở vào đất đâu. Còn để kiểm tra, xác định doanh nghiệp khai thác sai mốc giới thì khó lắm, kể cả xử lý bằng hình ảnh cũng khó”, ông Trường trả lời khi xem video tàu khai thác cát sát bờ mà phóng viên mới ghi nhận.

Ông Phạm Xuân Trường - Chủ tịch UBND xã Hán Đà tại buổi làm việc với PV Báo Lao Động. Ảnh: Bảo Nguyên

Khi đề nghị cung cấp hồ sơ của doanh nghiệp khai thác cát trên địa bàn, ông Trường cho biết: “Cái này chỉ có cán bộ địa chính nắm. Mà cán bộ cũ thì đã chuyển, cán bộ mới đang nghỉ đẻ”.

Sau khi liên tục ra ngoài gọi điện thoại, Chủ tịch UBND xã Hán Đà trả lời phóng viên: Công ty CP khai thác và chế biến khoáng sản Trường Phát được UBND tỉnh Yên Bái cấp Giấy phép khai thác khoáng sản từ năm 2010; Diện tích khai thác 22ha (từ xã Hán Đà đến xã Đại Minh); Trữ lượng: 313.352m3; Thời hạn khai thác: 17 năm.

Nguy cơ sạt lở đất canh tác, cây nông nghiệp của người dân Hán Đà nhìn thấy ngay trước mắt do ảnh hưởng của hoạt động khai thác cát. Ảnh: Bảo Nguyên

Theo ông Phạm Xuân Trường, xã đã đề xuất huyện và tỉnh yêu cầu doanh nghiệp khai thác phải cung cấp biển số tàu của mình để tiện quản lý.

“Tuy nhiên giải pháp rất khó vì có khi họ thuê tàu nơi khác khai thác, vận chuyển”, Chủ tịch UBND xã Hán Đà trả lời.

Theo tìm hiểu, Công ty CP khai thác và chế biến khoáng sản Trường Phát có trụ sở tại xã Hán Đà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái do ông Nguyễn Duy Phương là đại diện pháp luật.

Điều đáng nói, mặc dù liên tục bị người dân khiếu nại, tố cáo nhưng mỗi khi có đoàn kiểm tra của tỉnh, của huyện về thì mọi hoạt động khai thác cát trên sông ngay lập tức dừng lại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn