MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tết Giáp Thìn, tìm hiểu danh xưng sông Cửu Long

Thanh Mai LDO | 12/02/2024 06:41

Với việc cung cấp vào khoảng 4.000 tỷ m³ nước và vào khoảng 100 triệu tấn vật liệu phù sa mỗi năm, sông Cửu Long (Cửu Long giang) đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình hình thành vùng châu thổ. Và cũng theo quy luật định danh của nhiều quốc gia trên thế giới, vùng châu thổ được hình thành từ sông Cửu Long đã được định danh là đồng bằng sông Cửu Long.

Sông Cửu Long đi qua những đâu

Nhắc đến sông Cửu Long, nhiều người đều hiểu đó là tên gọi chung của sông Mekong chảy vào Việt Nam. Sau khi đi qua 5 quốc gia gồm: Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào và Campuchia, sông Mekong chảy vào Việt Nam qua hai nhánh: Tiền giang và Hậu giang trước khi đổ ra biển qua 9 cửa.

Tết Giáp Thìn, sẽ thú vị khi tìm hiểu danh xưng liên quan đến sông Cửu Long, dòng sông 9 rồng. Ảnh: Thanh Mai

Sông Hậu đổ ra biển qua 3 cửa là Định An, Bát Sát (Ba Thắc, Bassac) và Tranh Đề (nay gọi là Trần Đề). Sông Tiền đổ ra biển qua 6 cửa là Tiểu, Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, và Cung Hầu.

Nương theo hình thế này, người xưa đã ví von hạ lưu sông Mekong như 9 con rồng đổ ra biển. Và từ đó khai sinh ra danh xưng sông Cửu Long - dòng sông của 9 con rồng phun nước ra biển Đông.

9 cửa - sự thật hay huyền thoại?

Dù có sự thống nhất cao về danh xưng, nhưng đằng sau lớp vỏ ngôn từ ấy có khá nhiều ý kiến chưa đồng thuận cao về nguồn gốc tên gọi, sự thật địa lý… Về nguồn gốc tên gọi, xin trở lại vào dịp khác, ở đây xin đề cập về sự thật địa lý.

Sông Hậu, đoạn chảy qua TP Long Xuyên (An Giang). Ảnh: Thanh Mai

Thật ra không phải bây giờ, mà từ hàng chục năm qua đã xuất hiện việc tranh luận về 9 cửa của dòng Cửu Long. Nhiều khảo sát thực địa của các nhóm nghiên cứu, cũng như ứng dụng hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Cửu Long chỉ có 8 cửa.

Theo TS Huỳnh Công Tín, chuyên gia ngôn ngữ Nam Bộ, tác giả từ điển “Từ ngữ Nam Bộ”, nhiều khả năng ngay khi mới hình thành danh xưng, sông Cửu Long cũng chỉ có 8 cửa. Dù điều này đã xảy ra từ khá lâu và được giới nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực địa lý, lịch sử, môi trường công nhận, nhưng trên thực tế danh xưng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Cửu Long vẫn được sử dụng phổ biến trong đời sống và lưu hành chính thức trong hệ thống văn bản hành chính Nhà nước, công trình nghiên cứu khoa học...

Một góc bến phà Vàm Cống trên Sông Hậu. Ảnh: Thanh Mai

Điều này có thể bắt nguồn từ sự "truyền thừa", tôn trọng khát vọng trù phú cho vùng đất mà bậc tiền nhân gửi gắm qua việc đặt tên cho dòng sông. Bởi theo quan niệm dân gian, số 9 tượng trưng cho sự thịnh vượng. Vì thế dù cái thuở ban sơ đó, không có nhiều phương tiện để cân - đo - đong - đếm được bao nhiêu cửa, nhưng các cụ nhà ta vẫn cứ “áp” vào con số 9 như đã từng “áp” với Thất sơn (An Giang). Trong công trình "Ấn tượng Văn hóa đồng bằng Nam Bộ" (2012), TS Huỳnh Công Tín đã viết: “Người xưa muốn dùng con số 9 (cửu) và hình ảnh con rồng - con vật đứng đầu trong nhóm tứ linh (long, lân, qui, phụng) để tôn vinh tên con sông hùng vĩ và quan trọng này”. Theo TS Tín, danh xưng Cửu Long mang ý nghĩa tượng trưng về phong thủy hơn là thực tế địa lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn