MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tết Nguyên đán 2023: "Đề xuất nghỉ từ 29 tháng Chạp rất bất cập"

ANH THƯ LDO | 15/09/2022 11:52
Nhiều bạn đọc bày tỏ ý kiến trước đề xuất nghỉ 9 ngày Tết Nguyên đán 2023 của Bộ Tài chính.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến của các bộ, ngành về đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán 2023 với hai phương án là nghỉ 7 ngày và 9 ngày.

Trong khi đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lại đề xuất phương án nghỉ Tết thứ ba là 8 ngày, bắt đầu từ ngày 28 tháng Chạp. Ý kiến này được đông đảo người lao động đồng thuận.

Mới đây, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về phương án nghỉ Tết Nguyên đán 2023 với việc nghỉ 5 năm ngày theo quy định, trong đó nghỉ 1 ngày trước Tết và 4 ngày sau Tết.

Như vậy, công chức, viên chức nghỉ Tết Nguyên đán năm 2023 từ ngày 30 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 8 tháng Giêng năm Quý Mão.

Gửi ý kiến đến Báo Lao Động, bạn đọc Vũ Ngọc Lan cho rằng: "Theo quan điểm của tôi, nghỉ 9 ngày sẽ đáp ứng nhu cầu nghỉ lễ, tết của được nhiều người lao động. Tuy nhiên, nếu nghỉ từ ngày 30 tháng Chạp thì rất vất vả cho bà con hồi hương. Dịp cận Tết, phương tiện đi lại đông đúc, tắc đường rất mệt mỏi".

Đồng quan điểm, bạn đọc Nguyễn Dương cho rằng: "Theo quan sát của tôi, năm nào cũng thấy đề xuất nghỉ Tết. Nghỉ 9 ngày cũng hợp lý, song đi làm hết ngày 29 Âm lịch lại rất bất cập. Những người xa quê đi lại vất vả, còn lo khoản chặt chém xe cộ".

Bạn đọc Phạm Hồng cho rằng: "Nghỉ Tết từ ngày 28 tháng Chạp là hợp lý. Một năm làm việc vất vả, những người xa quê chỉ chờ dịp này mới được đoàn tụ với gia đình lâu ngày".

Bạn đọc Nguyễn Ngần bày tỏ: "Nghỉ Tết dài ngày quá cũng có rất nhiều hệ luỵ. Chi tiêu cho dịp này cũng rất tốn kém. Nhiều công nhân, người lao động có mức thu nhập chưa cao thì dịp này là nỗi ám ảnh. Vì vậy, đề nghị cơ quan liên quan xem xét lịch nghỉ lễ, tết cho hợp lý".

Ông Phạm Minh Huân - nguyên thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho rằng nếu công chức, viên chức phải chờ tới ngày 20.1.2023 (tức 29 Tết) mới được nghỉ như đề xuất thì sẽ bất tiện cho việc sắm Tết, đi lại của bà con. 

Bên cạnh đó, thời gian nghỉ Tết một số năm quá ngắn, nếu doanh nghiệp không cho người lao động nghỉ thêm, họ sẽ nghỉ việc kéo dài, dẫn tới tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết ở một số khu vực phía Nam.

Tâm lý người xa quê là muốn nghỉ Tết sớm để có thời gian nghỉ ngơi, đoàn tụ bên gia đình. Các cơ quan hành chính có thể linh hoạt bố trí người trực tại các vị trí thiết yếu để kịp thời giải quyết nhu cầu của người dân.

Do đó, nguyên thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét lại phương án nghỉ Tết trước khi trình Chính phủ quyết định, có thể tham khảo ý kiến nghỉ từ 28 Tết và làm bù vào thứ 7 (mùng 7 tháng giêng) từ Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn