MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tết nhẹ gánh lo toan nhờ lên kế hoạch chi tiêu hợp lý

Trang Hà LDO | 09/01/2023 14:00

Vấn đề tài chính dịp Tết không còn là nỗi băn khoăn, trăn trở của nhiều người bởi họ đã lên kế hoạch tiết kiệm, chi tiêu hợp lý. Trái với cảnh ngược xuôi lo toan, nhiều người trẻ ở trong tâm thế thảnh thơi, mong ngóng Tết từng ngày.

Ghi chép chi tiêu

Để quản lý chi tiêu ngày Tết hiệu quả, Thanh Vân (26 tuổi, Thái Nguyên) chọn cách ghi chép cụ thể những khoản cần chi. Thanh Vân cho biết, việc tính toán từng khoản sẽ khiến bản thân không tiêu “quá tay".

Với Thanh Vân, chi phí sắm sửa cho một cái Tết khoảng 7 triệu đồng, trong đó chủ yếu là tiền mua bánh kẹo, mua sắm quần áo và biếu bố mẹ. Những năm trước không lên danh sách những khoản cần chi nên Tết tiêu hết khoảng 10 - 15 triệu đồng bởi thích gì mua nấy, có những thứ mua còn không dùng đến.

“Mình nhận ra, hiệu quả nhất của việc ghi chép là biết gia đình đang thiếu và cần những gì. Ra đến siêu thị chỉ cần cầm danh sách cần mua, vừa tiện lại vừa nhanh, tránh tình trạng nhớ trước quên sau, những đồ cần mua lại không sắm, những đồ không cần đến thì mua tràn lan" - Thanh Vân chia sẻ.

 Thanh Vân tính toán từng khoản chi tiêu dịp Tết. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khoản tiền sắm Tết chủ yếu từ tiền tiết kiệm của Vân. Cách hữu hiệu nhất để tiết kiệm được là khi nhận lương sẽ đưa một khoản cố định cho mẹ cất giữ. Khoản còn lại cân đối chi tiêu trong một tháng. 

Nhờ cách này mà Thanh Vân đã tích góp được một số tiền kha khá. Đến Tết sẵn lấy ra để chi tiêu mà không cần quá lo về kinh tế. Tết có tiền cũng đỡ đần được bố mẹ mua sắm đồ đạc, bản thân không vướng bận lo toan nên Tết vừa thảnh thơi lại vừa đầm ấm.

“Đối với việc mua sắm, mình ưu tiên lựa chọn những mặt hàng giảm giá. Cuối năm, những mặt hàng quần áo, giày dép được giảm giá rất nhiều có thể dễ dàng đến mua trực tiếp tại cửa hàng hoặc trên website. 

Đối với các mặt hàng gia dụng hay bánh kẹo tại các siêu thị cũng có chương trình hạ giá để kích cầu mua sắm. Nhờ mẹo này mà mua được hàng tốt giá hời, tiết kiệm chi phí" - Thanh Vân hào hứng.

Tích tiểu thành đại

Mong ngóng Tết là tâm trạng của Thuỳ Dương (22 tuổi, Hải Phòng) trong những ngày cuối năm. Dương bộc bạch, bản thân chưa lập gia đình nên muốn tận dụng tối đa thời gian rảnh rỗi để sum vầy, đoàn tụ cùng người thân trong dịp đặc biệt này.

Thuỳ Dương hiện là sinh viên, công việc làm thêm bán thời gian đủ cho nữ sinh trang trải cuộc sống hằng ngày. Để có tiền tiêu Tết mỗi tháng, Dương tiết kiệm từ 1 - 1,5 triệu đồng.

Vì làm công việc bán thời gian không có tháng lương thứ 13, không có thưởng Tết nên nữ sinh cũng cố gắng tiết kiệm. Số tiền không nhiều, nhưng cứ kiên trì tích góp từng chút nhỏ thì cuối năm sẽ dư ra một khoản kha khá, phần nào đủ lo cho những nhu cầu cơ bản của bản thân trong dịp Tết.

“Năm nào cũng phải chi những khoản cố định như: Lì xì khoảng 4 triệu đồng, mua quần áo, sắm đồ Tết cho gia đình 5 triệu đồng. Tính đơn giản những khoản chính đã “bay" 9 triệu đồng rồi, chưa kể chi phí ngày Tết đi chơi, gặp mặt bạn bè” - Thuỳ Dương tâm sự.

 Thùy Dương hiện là sinh viên đại học tại Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tiết kiệm cả năm nhưng nữ sinh không dồn hết cho việc tiêu Tết. Đây là dịp đặc biệt nên nhu cầu chi tiêu sẽ cao hơn ngày thường nhưng không vì thế mà phung phí. Ngoài việc tính toán số tiền tiêu Tết hợp lý, Dương vẫn để dành một khoản để chi tiêu cho những nhu cầu khác như: Học tập, đi lại, phát triển bản thân.

Một năm học tập, đi làm đã có đủ sự áp lực và lo toan, chính vì vậy Tết là phải vui, phải hạnh phúc. Niềm vui của Thuỳ Dương đơn giản là tự kiếm ra tiền và tích góp để không phải chịu những áp lực kinh tế ngày Tết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn