MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh hoạ: Trần Tuấn.

Tết phải về quê mới ý nghĩa

Mạnh Cường LDO | 21/01/2024 06:00

Với nhiều người sinh sống, làm việc xa quê, Tết là dịp để sum vầy, hướng về cội nguồn. Dù bận rộn thế nào cũng phải sắp xếp về quê ít nhất một, hai ngày.

Năm nào cũng vậy, cứ mùng 2 Tết, anh Nguyễn Đăng Thao (42 tuổi) cùng với gia đình lại "rồng rắn" về quê. Mục đích để thắp hương tổ tiên, thăm họ hàng và tận hưởng không khí Tết quê hương. Hiện tại, anh Thao đang sinh sống cùng vợ và 2 con tại Thủ đô Hà Nội.

“Cả năm đi làm vất vả về quê được mấy lần đâu. Tết là dịp để được gần nhau hơn, ôn lại chuyện cũ vun đắp tình cảm và nhớ về cội nguồn. Chỉ tiếc tôi không thể ở quê lâu, về được vài ngày lại phải lên Hà Nội dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị cho công việc” - anh Thao nói về lý do về quê ăn Tết của bản thân.

Cả nhà anh Thao đều về quê ăn Tết hằng năm. Ảnh: NVCC

Theo anh Thao, nhiều người quan niệm ăn Tết ở đâu cũng thế, không nhất thiết phải về quê. Họ ngại đường xá xa xôi, ngại phải quà cáp, ngại phải đi thăm hỏi mọi người, ngại vì quỹ thời gian eo hẹp.

Theo anh Thao, thời khắc thiêng liêng nhất là có bố mẹ, anh chị em ở bên cùng đón giao thừa và những ngày đầu năm gặp mặt chúc nhau trực tiếp. Ngồi với nhau bên chén trà, bánh kẹo, hạt dưa cùng ôn lại những kỷ niệm - đó mới là niềm hạnh phúc trong cuộc sống. Ở Thủ đô, thực hiện những điều này cùng người thân họ hàng là điều không thể với anh Thao.

Trái ngược với nhiều bạn bè cùng trang lứa tranh thủ ngày Tết để đi làm thêm, Phạm Thu Hà (22 tuổi) - sinh viên năm cuối - lại chỉ muốn về quê thật sớm. Với Thu Hà, ở quê bắt đầu từ 26 tháng Chạp, không khí Tết đã rất rộn ràng, ngập tràn thôn xóm.

Vì thế, Thu Hà sẽ luôn cố gắng ở quê lâu nhất có thể. “Sẽ thật ý nghĩa và hạnh phúc biết bao khi cùng gia đình mua hoa, đồ trang trí ngày Tết, cùng các bác, các anh các chị ngồi quây quần bên nhau gói bánh chưng” - Thu Hà tâm sự về lý do muốn về quê đón Tết sớm.

Cùng quan điểm, chị Nguyễn Thị Loan (29 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, ở lại nơi đất khách quê người đón Tết với những người xa lạ rất buồn và chạnh lòng. Khi về quê ăn Tết cùng mọi người mới thấy ý nghĩa và ấm áp.

“Vợ chồng tôi lên Thủ đô lập nghiệp cũng đã 8 năm nay. Sau khi có nhà riêng chúng tôi thử đón Tết một năm tại nhà mới nhưng cảm giác thấy rất trống vắng. Thế là từ năm sau, cả nhà quyết định về quê ăn Tết cùng mọi người” - chị Loan tâm sự.

Bên cạnh đó, theo chị Loan, Tết là thời điểm thích hợp nhất để báo hiếu với cha mẹ. Chẳng cần gì nhiều, một vài tấm bánh chưng, cân giò, vài bộ quần áo, cây quất là đủ. Với chị Loan, gặp mặt cha mẹ, trao tận tay thì mới hạnh phúc chứ cha mẹ cũng chẳng cần những đồng tiền con cái gửi từ phương xa.

Về quê ăn Tết cùng gia đình, anh chị em, trong suy nghĩ của chị Loan cũng là lúc xua đi các âu lo, muộn phiền nơi phồn hoa đô thị nhưng đầy áp lực. Đồng thời, khi về quê ăn Tết, các nét văn hóa xa xưa lại hiện hữu rõ ràng không bị phai mờ để tự hào và kể lại cho con cháu mai sau.

Tết đến, có phải về quê mới thực sự ý nghĩa? Bạn đọc có quan điểm về vấn đề này xin gửi về email của toà soạn: toasoan@laodong.com.vn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn