MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tết về: Giàu hoá nghèo, nghèo bỗng nhiên… giàu

Vĩnh Xuân LDO | 23/01/2020 10:25

Tết về, người giàu có lại thấy thiếu thốn, xa vắng điều gì đó trong khi chính những người nghèo, thiếu điều kiện lại nhìn thấy cái Tết nhiều điều mà ngày thường không có.

Đối với mỗi người thế hệ 7x trở đi, ngày Tết là sự kiện đặc biệt nhất trong năm. Nhà nghèo, cả năm trời được một lần mẹ mua cho quần áo mới. Thường là cái sơ mi sợi pha ni lông, sọc xanh-trắng. Thêm cái quần dài mới cùng chất. Là lượt phẳng phiu. 

Chiều 30 tắm rửa sạch sẽ, sáng Mùng 1 mới diện bộ đồ mới để đi chơi với các bạn. Cảm giác hồi hộp, vui sướng thật khó tả. Tết là dịp hiếm hoi được ăn nhiều thịt. Thịt lợn nhà chú hay hàng xóm làm, thơm nức mũi. Miếng thịt mỡ cũng thơm thơm, mấy cái tóp mỡ cứ béo ngầy ngậy.

Ngày thường, có được bữa cá tươi là đặc biệt. Cá khô ăn khá thường xuyên. Cá khô ở quê, khác hẳn loại cá khô nhỏ như đầu ngón tay hay bán ở Hà Nội. 

Từ tháng 12, nhiều nhà đã bắt đầu đi lấy lá dong, để dành gạo nếp, chăm sóc con lợn… Lá lấy trên rừng thật xa, nhà gọi là “có điều kiện” thì đi xe đạp. Không có xe đi bộ. Cả làng chắc dăm nhà có xe đạp, loại xe khung nam hoặc nữ. Đi xe nam cứ phải luồn xuống khung, ì ạch đạp. 6,7 tuổi khi đấy chắc chỉ cao ngang cái chổi quét nhà giờ. 

Rồi chiều 29, chiều 30 bắt đầu gói bánh chưng. Tối 30 mẹ đào cái bếp, kê nồi bánh luộc cả đêm. Mấy anh em chạy lăng xăng ngồi chờ bánh chín. Cái Tết đánh thức bao nhiêu giác quan, để lại bao nhiêu dư vị đáng nhớ.

Vậy mà bây giờ…

Vì sao nhiều người nghe đến Tết là sợ, thấy Tết là thấy mệt. Tủ lạnh ê hề thức ăn mà không thấy đủ, chỉ mải lo bảo quản. Rồi bao nhiêu thứ lễ nghĩa như cái nợ cần phải trả.

Ta đang ăn Tết hay Tết đang ăn ta?

Về quê giờ, những hình ảnh quen thuộc ngày bé cứ ít dần. Hoa màn màn không còn mọc đầy bên đường. Mương nước không còn mớ cá nùng nục, đậu đen như bãi hạt đậu đen. Cũng không còn hít thở được cái không khí Tết ngày xưa. 

Cuộc sống giờ khác trước quá nhiều. Nhưng chẳng thể so với cảm giác ngon ngọt cái kẹo củi lâu lâu mẹ đi chợ mua về lúc nhỏ, đôi cái bánh đa nướng chợ xa, gần trưa mẹ mới về. Quần áo mua mới liên tục, vẫn nhớ cái sơ mi sọc xanh nilong. 

Hạnh phúc chỉ là khái niệm tương đối. Lúc lại thấy thèm cảm giác vui sướng khi túng thiếu. 

Mọi tập tục của một cộng đồng đều chỉ phát sinh, tồn tại theo điều kiện kinh tế-xã hội. Giờ quanh năm no đủ, ăn uống không còn khó khăn như trước. Bánh trái chẳng thiếu. Hoạ chăng chỉ thiếu cái niềm vui thuở nhỏ.

Ngày bé ra tới Hà Nội, thời gian đi mất gần ngày. Lá thư gửi đi, gửi về 2 tuần mới tới. Thiếu tới cả tiền mua con tem. Một năm gặp lại, bạn bè, anh em có biết bao chuyện để kể. 

Giờ lúc nào cũng có thể facetime, sms… khoảng cách địa lý rút ngắn lại, tình cảm lại có phần xa đi. Chúc nhau đôi khi chỉ là cái tin nhắn soạn sẵn, hoặc cài sẵn trên điện thoại.

Tết không còn nhiều ý nghĩa, ít nhất với những người có điều kiện. Nhưng chợt nghĩ vẫn có cả nghìn con người nghèo xa quê, vẫn thèm cảm giác xum vầy bên gia đình ngày cuối năm. Quanh năm làm lụng, cuối năm chắt bóp để dành cũng để cố vượt cả nghìn km về quê nhà. Ăn vội cái Tết rồi lại tất tả ra đi, bắt đầu một năm lao động mới.

Thế nên Tết với người no đủ thì luôn cứ thấy thiếu thốn điều gì đó, còn với người nghèo chỉ là tấm vé miễn phí, phần quà chưa đến 200 ngàn đồng đã thấy xuân mênh mang đang về vì có biết bao nhiêu thứ đợi mong phía trước…

Có khi Tết về, người giàu thì nghèo, mà người nghèo hoá lại giàu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn