MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cá tiễn Táo quân vừa được phóng sinh đã bị chích điện nằm la liệt trong khoang thuyền. Ảnh: VTC News

Thả cá chép tiễn Táo quân: Cần làm gì để xây dựng nếp ứng xử văn minh?

HẢI ĐĂNG LDO | 09/02/2018 14:40
Bên cạnh chuyện người dân kích điện đón bắt cá chép “Táo quân” vừa được thả, là cảnh tượng người dân thả cả túi nilon, bình tro xuống sông... vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm. 

Ngoài ra còn xảy ra một số tai nạn thương tâm trong khi thả cá chép tiễn ông Táo về trời. Khoảng đầu chiều 8.2 tại sông Ghép, xã Hải Châu (Tĩnh Gia, Thanh Hóa), nam sinh Hoàng Đức Hải đã đuối nước tử vong do bơi ra sông cứu 3 mẹ con thả cá chép cúng tết ông Táo.

Em Hải là sinh viên ĐH năm thứ 4, còn người được em cứu sống là 1 giáo viên cùng 2 con nhỏ.

Trước đó, vào khoảng  22h30 ngày 7.2, một người phụ nữ (SN 1970) mang cá chép vàng ra hồ điều hòa công viên Cầu Giấy, Hà Nội để thả tiễn ông Táo về trời, cũng bị rơi xuống nước tử vong.

Thông tin khác gây sốc không kém là cảnh người dân dùng kích điện đón bắt cá chép vừa mới được thả ra tại chùa Diệu Pháp (quận Bình Thạnh, TP.HCM) tiễn Táo quân, để đem đi bán lại.

Cảnh tượng bi hài đón bắt cá chép phóng sinh cho thấy, làm sao có thể tiễn Táo quân về trời bằng những con cá chép, khi mà chính chúng cũng không thể vượt qua được sự vây bắt của người trần mắt thịt.

Cũng không hiểu những con cá nuôi bằng thức ăn nhân tạo, có sống nổi trong môi trường nước ô nhiễm khắp nơi, lạ lẫm, phải tự sinh tồn. Rồi Táo quân biết chọn cá nào, trong hàng nghìn, hàng vạn con được đua nhau thả xuống sông, hồ?

Một điều nữa, là đã là thần linh, có thể cưỡi mây vượt gió, sao lại phải nương nhờ mấy con cá bé xíu, yếu đuối, để bay về trời? 

Tất cả cho thấy, để một phong tục đẹp thực sự trở thành một nếp ứng xử văn minh trong cộng đồng không phải chuyện dễ dàng. Chúng ta tôn trọng phong tục, quan niệm của người dân, tuy nhiên, những hình ảnh như rác thải là bao nilon đựng cá vứt vương vãi khắp nơi, người dân vứt cả tro và bình xuống nước, cảnh người dân tổ chức bắt cá “Táo quân” cho thấy giữa ước muốn nhân văn, lãng mạn và thực tế khắc nghiệt luôn có khoảng cách không nhỏ.

Trước những bất cập nói trên, một số chuyên gia cho rằng, có thể thay cá chép thật bằng cá chép giấy, miễn là thành tâm; bởi vì suy cho cùng, việc thả cá chỉ có tính chất tượng trưng.

Làm sao để một phong tục truyền thống trở thành một lối ứng xử đẹp, nhân văn và đặc biệt phải bảo đảm tuyệt đối an toàn là những điều chúng ta cần suy nghĩ và hành động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn